Xử lý như thế nào khi có ca nhiễm Covid-19 trong cơ sở sản xuất, kinh doanh?

Duy Tính
Duy Tính
11/06/2021 18:24 GMT+7

Trước tình trạng dịch Covid-19 xâm nhập vào các công ty thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp, TP.HCM đã tập huấn cho 100 công ty, khu chế xuất, khu công nghiệp về biện pháp xử lý khi có F0, F1..

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ xâm nhập vào các doanh nghiệp, đặc biệt xuất hiện tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, và đã có 1 số ca nhiễm Covid-19 bên ngoài nhưng làm việc các nơi này, sáng 11.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã tập huấn trực tuyến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp.
Buổi tập huấn trực tuyến đã diễn ra với sự tham gia của hơn 100 đầu cầu đến từ các Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp; Ban quản lý khu công nghệ cao; Trung tâm y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức; các cơ sở lao động có quy mô.

Ngày 11.6: TP.HCM thêm 20 ca Covid-19, tổng cộng 920 bệnh nhân

Phát biểu tại buổi tập huấn, bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc HCDC, cho biết: Nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập các cơ sở sản xuất kinh doanh; trong thời gian chờ vắc xin cho công nhân, phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19. Hạn chế tối đa sự lây nhiễm từ bên ngoài hoặc khi xảy ra tình huống đã phát sinh các ca F0, F1 trong doanh nghiệp thì phải đảm bảo được công tác sản xuất.

Làm gì nếu có ca nhiễm ở cơ sở sản xuất?

Theo đó, khi có thông tin ca bệnh Covid-19 tại công ty, cơ sở sản xuất, ngay lập tức kích hoạt đội đáp ứng nhanh của HCDC, Trung tâm y tế, đội phòng chống dịch của công ty, cơ sở, bộ phận nhân sự, và người quản lý phân xưởng. Lực lượng chức năng địa phương giữ gìn an ninh, trật tự.
Sau đó, khẩn trương điều tra truy vết những đối tượng tiếp xúc gần với F0; tiến hành phong tỏa tạm thời công ty; phong tỏa khẩn cấp phân xưởng; yêu cầu công nhân ổn định để đội đáp ứng nhanh làm việc.
Thông báo đến người lao động toàn công ty về ca nhiễm Covid-19 (dừng công việc; ở nguyên vị trí; giữ khoảng cách; thông tin ca bệnh; phổ biến các công việc sẽ tiến hành; khuyến cáo người lao động trung thực, nghiêm túc trong khai báo).
Quản lý phân xưởng cung cấp danh sách tiếp xúc F1 và danh sách người lao động tại công ty. Chuyển những người tiếp xúc gần nguy cơ cao (F1) về khu cách ly quận, huyện; đồng thời lập danh sách những công nhân cùng làm nhưng hiện không có mặt tại công ty để chuyển về các tỉnh thành, quận huyện để chỉ định cách ly và xét nghiệm theo đối tượng F1.

Tối 11.6: Thêm 63 ca mắc Covid-19, TP.HCM 20 bệnh nhân mới

 

Kiểm soát chặt, phát hiện sớm

Sáng 11.6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM họp trực tuyến với UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến nay có 837 trường hợp nhiễm Covid-19 bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, trong chuỗi lây nhiễm liên quan Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (441 ca) thì đã phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp.
Do vậy, TP.HCM cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu công nghiệp, khu chế xuất để phát hiện sớm người có nguy cơ hoặc nhiễm Covid-19 để kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.