Không chỉ trời lạnh, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao cũng ảnh hưởng đến dung lượng pin trên nhiều mẫu ô tô điện đang phân phối trên thị trường.
Hàng năm, công ty Recurrent có trụ sở tại Seattle, Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm hàng ngàn xe để phân tích mối liên quan giữa pin và phạm vi hoạt động của ô tô điện. Dữ liệu mới nhất từ Recurrent chỉ ra rằng, khi hoạt động trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao có thể khiến phạm vi hoạt động của ô tô điện giảm khoảng 1/3 so với thông thường.
Dù không đưa ra thông tin chi tiết từng mẫu xe thử nghiệm nhưng theo Recurrent một số xe có phạm vi hoạt động giảm 31% khi nhiệt độ tăng lên trên 38 độ C (tương đương 100 độ F), do dung lượng pin giảm dưới tác động của điều kiện môi trường.
Trước đó, vào năm 2022 chính Recurrent cũng đã tiến hành thử nghiệm và phát hiện ra rằng nhiệt độ thấp, nước đóng băng cũng khiến pin ô tô điện hao nhanh như vậy. Cả hai mẫu xe Ford Mustang Mach-E và Volkswagen ID.4 do Recurrent thử nghiệm đều giảm khoảng 30% phạm vi hoạt động khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống mức -1 độ C (khoảng 30 độ F). Trong khi đó, nhiệt độ không quá khắc nghiệt hầu như không tác động gì tới cụm pin.
Theo nhà nghiên cứu Greg Less đang làm việc cho Phòng thí nghiệm pin của Đại học Michigan (Mỹ), việc phạm vi hoạt động của ô tô điện giảm xuống khi nhiệt độ tăng cao là do tính chất hóa học. "Khi nhiệt độ môi trường tăng lên trên 40 độ C (104 độ F) sẽ có hiện tượng phá vỡ lớp phát xạ thụ động trên cực dương, và việc đó làm hao hụt chất điện phân dạng lỏng, khiến pin sụt nhanh hơn", ông Greg Less giải thích thêm.
Trong khi đó, ông Scott Case - Giám đốc điều hành Recurrent giải thích, việc thu thập dữ liệu không hề dễ, vì hầu hết ô tô điện xuất phát từ sáng sớm, trước khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 38 độ C.
Bình luận (0)