Bài: Trần Lệ Thủy
Tư vấn chuyên môn: Chuyên gia, BS Nguyễn Thanh Tuyền
Năng lượng tích lũy dưới dạng mỡ phân bổ dưới da, quanh các cơ quan trong cơ thể, gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.
Thực phẩm cung cấp năng lượng là gì?
Trong hoạt động hằng ngày, năng lượng được sử dụng giúp cơ thể duy trì các hoạt động của cơ quan, để vận động đi lại cũng như làm việc, tập thể dục thể thao. Mỗi loại thực phẩm cung cấp một mức năng lượng khác nhau và chuyển hóa theo những con đường khác nhau trong cơ thể. Các loại thực phẩm có thể có ảnh hưởng khác nhau về cảm giác no, đói, nội tiết tố sinh ra trong quá trình tiêu hóa cũng như lượng năng lượng từ thức ăn mà cơ thể sử dụng.
Rau màu xanh đậm là có thể đảm bảo năng lượng cho cơ thể hoạt động mà vẫn duy trì cảm giác no và đốt cháy năng lương hiệu quả nhất?
Đúng. Rau muống, rau ngót, bó xôi…nhóm rau đậm màu này chứa ít năng lượng, chất bột đường nhưng giàu chất xơ. Ăn nhiều rau trong bữa ăn giúp tăng lượng thực phẩm ăn vào nhưng không làm tăng năng lượng, giúp tăng cảm giác no. Ngoài ra, nhóm rau đậm màu rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa như giàu can xi - chất đã được chứng minh là giúp cơ thể đốt cháy lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.
Thực phẩm chứa nhiều chất omega cũng không làm bạn sợ mập?
Đúng! Cá hồi và một số loại hải sản chứa omega – 3 giúp điều hòa quá trình viêm trong cơ thể (có vai trò quan trọng trong bệnh sinh của béo phì và các bệnh chuyển hóa). Omega – 3 còn có vai trò như chất kiểm soát và điều hòa quá trình chuyển hóa trong cơ thể thông qua tác động đến nồng độ leptin, nội tiết tố quan trọng kiểm soát cảm giác ăn và làm tan mỡ dự trữ.
Trái cây nhóm bưởi cũng được ưu tiên vì chứa nhiều chất xơ?
Đúng! Nhóm trái cây này thúc đẩy quá trình chuyển hóa và giúp đốt cháy nhiều năng lượng. Trong thành phần có nhiều chất xơ nên chúng có thể làm tăng cảm giác no nhanh và lâu hơn với rất ít calorie. Hơn nữa, bưởi còn có tác dụng giúp cơ thể giảm tình trạng đề kháng insulin (insulin là một loại horemone cực kỳ nhạy cảm đóng vai trò kiểm soát lượng đường trong máu của mỗi người trong chúng ta,) rối loạn về chuyển hóa liên quan đến các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch…
Thịt nạc thì sao?
Việc tiêu hóa các loại thực phẩm làm cơ thể phải đốt cháy năng lượng ở mức độ khác nhau. Khi ăn thực phẩm có tính sinh nhiệt cao, cơ thể sẽ đốt cháy năng lượng nhiều hơn để tiêu hóa. Thịt nạc là nguồn cung cấp chất đạm có tính sinh nhiệt cao vì quá trình tiêu hóa chất đạm cần nhiều năng lượng hơn tiêu hóa chất bột đường và béo. Quá trình tiêu hóa chất đạm cũng châm hơn, giúp cơ thể có cảm giác no lâu hơn, do đó, kiểm soát được lượng thực phẩm ăn vào.
Vậy trái bơ có nhiều chất béo nên ăn vào khiến cơ thể dễ mập?
Sai. Trong khi phần lớn trái cây thuộc nhóm giàu chất bột đường, quả bơ lại chứa nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe: chất béo không bão hòa dạng đơn có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa, chống lại quá trình lão hóa tế bào, giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Dù chứa nhiều chất béo nhưng bơ cũng chứa nhiều nước nên năng lượng không nhiều, không gây tăng cân.
Ớt và các loại gia vị cay giúp tôi “bỏ bớt” được lượng mỡ dư thừa?
Đúng! Những thực phẩm này có chứa một chất tên là capsaicin, có tác dụng kích thích cơ thể, đốt cháy mỡ tạo năng lượng cũng như làm giảm cảm giác thèm ăn, qua đó, giúp kiểm soát lượng thực phẩm ăn vào.
Ngoài ra, trà xanh và ngũ cốc nguyên hạt chưa xay xát nhiều là những thực phẩm bạn không phải “e dè” vì trà xanh chứa nhiều chất chống ô xy hóa có tên là catechins có tác dụng chống lão hóa, giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa và giảm cân. Uống trà xanh mỗi ngày giúp cơ thể giảm được lượng mỡ thừa đáng ghét. Với ngũ cốc, loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ hòa tan như beta glucans, giúp làm tăng chỉ số no cũng như cải thiện các chuyển hóa trong cơ thể. Ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin, chất khoáng carbohydrates và ít chất béo, cần thiết cho hoạt động cơ thể.