Cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho: Nguy cơ thất thoát tỉ USD

17/06/2024 06:30 GMT+7

Dù luật Khoáng sản 2010 có quy định việc đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản song thực tế hơn 10 năm qua, hàng nghìn mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép theo cơ chế xin - cho, không qua đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát hàng tỉ USD cho ngân sách nhà nước.

Đấu giá khoáng sản hiệu quả cao nhưng tỷ lệ thấp

Năm 2023, dư luận tại Phú Thọ từng xôn xao về cuộc đấu giá mỏ cát lòng sông Hồng rộng 22,95 ha nằm trên địa bàn P.Minh Nông (TP.Việt Trì) và xã Cao Xá (H.Lâm Thao). Mỏ cát có thời hạn khai thác trong 10 năm, giá khởi điểm 35 tỉ đồng. Cuối phiên đấu giá, một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc "chốt" 168 tỉ đồng, cao gấp 4,8 lần giá khởi điểm. Sau khi được UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định công nhận kết quả đấu giá, đến cuối năm 2023, doanh nghiệp đã nộp 109/168 tỉ đồng.

A1.jpg

Nhiều cuộc đấu giá mỏ cát ở các địa phương thời gian qua ghi nhận giá trúng đấu giá tăng cao so với khởi điểm

Phạm Vũ

Ghi nhận từ những cuộc đấu giá mỏ khoáng sản ở các địa phương vừa qua thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, giá trúng đấu giá được "chốt" tăng rất cao so với mức giá khởi điểm. Trong số 1.310 khu vực khoáng sản được phê duyệt để tổ chức đấu giá, đã có 827 cuộc đấu giá thành công, với giá trúng đấu giá tăng trung bình từ 20 - 40% so với giá khởi điểm.

Không chỉ ở địa phương, ngay với những mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT, nhiều cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã thành công với giá trúng thầu cao hơn so với giá khởi điểm. Trong 10 khu vực khoáng sản đã được Bộ TN-MT đấu giá thành công trong hơn 10 năm thực hiện luật Khoáng sản 2010, giá trúng đấu giá tăng ít nhất là 30% so với giá khởi điểm, có những khu vực, giá trúng đấu giá cao gấp 2 - 2,4 lần so với giá khởi điểm.

Cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho: Nguy cơ thất thoát tỉ USD- Ảnh 2.

Đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản được quy định tại luật Khoáng sản năm 2010, thực tế triển khai, theo các thống kê từ Bộ TN-MT, đã mang về nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, số lượng các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được tổ chức chiếm tỷ lệ rất thấp nếu so sánh với số lượng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp ở cả Bộ TN-MT và các địa phương.

Theo báo cáo 13 năm thi hành luật Khoáng sản 2010, Bộ TN-MT cho hay trong số 441 giấy phép khai thác khoáng sản do bộ này cấp, chỉ có 10 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, tỷ lệ là 2,2 %. Còn ở địa phương, trong số 5.200 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp ở 63 tỉnh, thành, chỉ 827 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, tỷ lệ là 16%. Tính trên phạm vi cả nước, tỷ lệ các mỏ khoáng sản được cấp phép thông qua đấu giá chỉ đạt 14,8%. Như vậy, thực tế những năm vừa qua trên phạm vi cả nước đã có hàng nghìn mỏ khoáng sản đang được cấp phép khai thác theo hình thức xin - cho.

Cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho: Nguy cơ thất thoát tỉ USD- Ảnh 3.

Trong Báo cáo kiểm toán chuyên đề khai thác khoáng sản giai đoạn 2017 - 2021, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ thực trạng nhiều địa phương chậm trễ trong việc thực hiện đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản, nhất là các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, tại Hà Giang, địa phương này có 67 điểm mỏ (chủ yếu là cát, sỏi) được phê duyệt đấu giá nhưng đến nay chưa tổ chức đấu giá. Cho tới ngày 30.5 vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang mới ban hành được quyết định kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2024 với 63 điểm mỏ (cát, sỏi, đất sét…) tại 11 huyện, thành phố.

Tuy vậy, chưa rõ nguyên nhân vì đâu nhiều địa phương và cả Bộ TN-MT lại chậm trễ trong việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Chỉ riêng bauxite đã thất thoát hàng tỉ USD

Không chỉ số lượng mỏ được cấp phép thông qua đấu giá quá ít ỏi, theo các chuyên gia, mức giá khởi điểm để đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định hiện nay đang ở mức rất thấp cũng là nguy cơ gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Nếu không qua đấu giá, ngân sách chỉ thu được số tiền tối thiểu từ công thức tính giá khởi điểm hiện nay.

Tại điều 4, Nghị định 22/2012/NĐ-CP hướng dẫn luật Khoáng sản 2010, giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản thấp nhất bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhưng theo điều 3 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính lại hướng dẫn giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, mức giá được quy định bằng tiền cấp quyền khai thác như Thông tư liên tịch 54, được các chuyên gia đánh giá là không phù hợp.

Các chuyên gia cũng dẫn chứng với khoáng sản bauxite, nếu so sánh tiền thu cấp quyền khai thác hiện nay với giá khởi điểm của Trung Quốc, Ấn Độ thì ngân sách đã thất thu hàng tỉ USD.

Cụ thể, giá quặng bauxite nguyên khai tính thuế năm 2023 tại tỉnh Đắk Nông là 390.000 đồng/tấn căn cứ theo điều 5 Nghị định 67/2019/NĐ-CP hướng dẫn tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thì 1 tấn quặng bauxite có tiền cấp quyền khai thác là 6.318 đồng (khoảng 0,3 USD/tấn). Đây là mức rất thấp nếu so với giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite của Trung Quốc hay Ấn Độ là từ 5 - 6 USD/tấn.

VN hiện có 11 dự án đang quy hoạch, trừ 4 dự án đã thăm dò từ lâu trước khi luật Khoáng sản 2010, còn 7 dự án mới đang được quy hoạch có tổng lượng khoáng sản ước tính khoảng 1,5 tỉ tấn tinh quặng cho vòng đời 30 năm. Nếu mỗi dự án có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và không thông qua đấu giá quyền khai thác, ước tính ngân sách thất thu khoảng 7,5 tỉ USD.

Theo báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023 do Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) công bố, VN xếp thứ 2 về trữ lượng quặng bauxite toàn cầu, với khoảng 5,8 tỉ tấn trong tổng trữ lượng thế giới là 31 tỉ tấn. Nếu giữ mức đấu giá khởi điểm như hiện nay khoảng 0,3 USD/tấn, so với mức chênh lệch 4 - 5 USD/tấn, ngân sách nhà nước có thể thu thêm được hoặc sẽ mất đi nguồn thu gần 20 tỉ USD.

Cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho: Nguy cơ thất thoát tỉ USD- Ảnh 4.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư AIC (Hà Nội), cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là cơ sở để xác định giá khởi điểm. Nếu tiếp tục áp dụng khung giá cố định hiện nay, mức giá khởi điểm hiện nay rất thấp, không bám sát được thực tiễn thị trường, dẫn đến giá trúng đấu giá thấp.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), từ năm 2014 - 2023 số tiền thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản là 55.887 tỉ đồng. Trong đó, tiền thu từ các quyết định do Bộ TN-MT phê duyệt là 55.887 tỉ đồng; quyết định do UBND cấp tỉnh phê duyệt là 28.000 tỉ đồng. Nếu chia trung bình, mỗi năm ngân sách nhà nước chỉ thu được khoảng 6.200 tỉ đồng từ cấp quyền khai thác đấu giá khoáng sản.

Bình luận về con số này, một chuyên gia ngành khai khoáng cho rằng số tiền này "quá nhỏ bé" nếu so sánh với hàng nghìn giấy phép khai thác khoáng sản được cấp theo hình thức xin - cho. Ngân sách đã thất thu số tiền không nhỏ khi có rất ít mỏ khoáng sản được đấu giá công khai. (còn tiếp)

Bộ trưởng TN-MT nói gì ?

Trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định quan điểm của Chính phủ là tăng đấu giá khai thác khoáng sản để tăng thu ngân sách tối đa. Còn việc tỷ lệ đấu giá khai thác khoáng sản còn thấp so với số cấp phép kiểu xin - cho, nhất là ở Bộ TN-MT, Bộ trưởng cho biết là do Chính phủ đã quy định rõ các khu vực khoáng sản không đấu giá và Bộ TN-MT phải thực hiện cấp phép.

Người đứng đầu Bộ TN-MT cũng khẳng định các bất cập trong 13 năm thực hiện luật Khoáng sản 2010 đã được đánh giá và Chính phủ đang trình Quốc hội luật Địa chất và Khoáng sản để khắc phục các bất cập này.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.