Chỉ với trên dưới 10 nhân lực, hầu hết là người khuyết tật, cơ sở spa đồ hiệu của Nguyễn Thị Vân (quê Nghệ An, hiện đang làm việc tại Hà Nội) thực hiện đầy đủ các dịch vụ từ làm sạch, bảo dưỡng đến sửa chữa, chăm sóc các sản phẩm thời trang cao cấp như túi, ví, da, thắt lưng, giày, trang phục (áo da). Khi được hỏi về lý do lấn sân sang lĩnh vực thời trang xa xỉ - vốn được xem là rất xa lạ với cô và các thành viên (những người thậm chí chưa từng dùng hàng hiệu) Vân lý giải rằng cô tin người khuyết tật có một số lợi thế đặc biệt trong lĩnh vực này.
Đắt tiền, tinh xảo và cao cấp không giới hạn được năng lực của người khuyết tật
"Khi giao dịch với những món đồ đắt tiền, điều quan trọng là phải thể hiện sự tin cậy và tính chuyên nghiệp. Cung cách của người làm dịch vụ khi thể hiện được sự đồng điệu sẽ khiến chủ sở hữu thấy thoải mái. Người khuyết tật khiếm khuyết nhiều thứ nhưng họ lại có thừa thời gian, sự bền bỉ, tỉ mỉ, tập trung. Đặc biệt, không có nhiều cơ hội việc làm hay sự chọn lựa nên họ rất trân quý công việc của mình, khách hàng sẽ thấy an tâm khi đặt món hàng xa xỉ yêu quý vào những đôi tay an toàn. Trải nghiệm về thời trang cao cấp là yếu tố cộng. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, nhất là dịch vụ thời trang cao cấp thì thái độ và tay nghề sẽ quyết định chất lượng, tạo nên niềm tin cho khách hàng", Vân nhận định.
"Quyết định mở spa đồ hiệu, ngoài thế mạnh là đội ngũ có những đôi tay lành nghề, đã làm việc lâu năm, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì chúng em còn có thế mạnh mà hầu hết những người khuyết tật đều có sẵn", Vân nói.
"Nếu người bình thường dễ bị phân tán bởi các cơ hội (hoặc mục tiêu) thay đổi, thăng tiến trong công việc, áp lực (trách nhiệm) với gia đình hay kế hoạch (nhu cầu) mở rộng quan hệ xã hội, giao lưu bạn bè… thì người khuyết tật lại không (họ ít lựa chọn hơn nhiều). Khi mà mỗi món đồ thời trang quý vừa là "bạn tâm giao" vừa có giá trị như một gia tài thì sự bền bỉ, đặc biệt là khả năng tập trung cao độ và thái độ trân trọng công việc nuôi sống bản thân của người thợ khuyết tật trở thành điểm cộng", cô lý giải.
Kinh doanh dịch vụ hàng hiệu tăng cơ hội hòa nhập cộng đồng
Mở dịch vụ spa đồ hiệu chưa lâu nhưng điều vui nhất với cô gái nhỏ bé và những người thợ khuyết tật là nhiều khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ sau lần đầu tiên. Đó không đơn giản là thu nhập mà là niềm tin - điều tối quan trọng với người làm dịch vụ và người khuyết tật.
Vân kể ngay từ khi bước vào thương trường (cách đây gần 20 năm), cùng anh trai là hiệp sĩ tin học Nguyễn Công Hùng (đã mất bởi phát tác của căn bệnh teo cơ tủy sống - pv) lập nên Trung tâm Nghị lực sống để giúp đỡ người tàn tật, cô và cộng sự không nghĩ đến việc dựa vào tình thương của mạnh thường quân. Nỗ lực tìm cơ hội trong cộng đồng, vượt qua giới hạn cá nhân, thay đổi định kiến của xã hội rằng người khuyết tật yếu đuối chỉ dựa vào tiền từ thiện là mong muốn của Vân và nhiều người khuyết tật.
Đã từng đào tạo nghề và kỹ năng, giúp hàng nghìn người khuyết tật ổn định cuộc sống, đã từng đi hàng chục nước trên thế giới để kết nối khách hàng và chia sẻ tiếng nói của người khuyết tật Việt Nam cũng đã từng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng Sao Đỏ, giải thưởng Tầm nhìn phụ nữ, Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, top 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm (năm 2019 - giải thưởng "Her Abilities Award 2019" Global) nhưng Vân chưa thôi khát khao tìm kiếm các cơ hội tương tác với cộng đồng.
Vân tin rằng những gì người thường làm được thì hầu hết người khuyết tật cũng làm được. Khuyết tật về tâm hồn, tư duy mới là mất mát, khuyết tật về cơ thể chỉ là một hạn chế. Cơ hội trên thương trường, trong cộng đồng không dành riêng cho ai mà nó cho tất cả mọi người, gồm cả người khuyết tật...