Đừng để lại trôi đi

26/05/2024 06:43 GMT+7

Vụ cháy nhà trọ ở địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người chết, 3 người bị thương vào rạng sáng 24.5 đã gây đau thương không chỉ cho gia đình có người gặp nạn, mà còn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về phòng cháy chữa cháy.

Nguy cơ gây hậu quả thảm khốc đối với những nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đã được UBND TP.Hà Nội chỉ rõ sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết ở số 37, ngõ 29/70 Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân). Hà Nội đang tồn tại 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Sau vụ cháy chung cư mini, cả hệ thống chính trị của Hà Nội được huy động vào cuộc, từ kiểm tra rà soát, công khai các công trình không đảm bảo phòng cháy chữa cháy để yêu cầu khắc phục tồn tại, đến tuyên truyền, tập huấn cho người dân các kỹ năng xử lý cháy nổ, thoát nạn…

Nhưng chỉ 8 tháng sau vụ cháy chung cư mini, ở Hà Nội lại tiếp tục xảy ra vụ cháy nhà trọ thảm khốc. Điều này đã khiến đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phải cảm thán rằng: "Chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, sau đó lại bị trôi đi".

Danh sách 14 nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà trọ ở P.Trung Kính ngày 24.5 thể hiện ngoài 2 nạn nhân là bà chủ nhà trọ và con trai, có 2 nạn nhân quê ở ngoại thành Hà Nội, 10 nạn nhân ở các tỉnh khác.

Những người này đến thủ đô Hà Nội, sinh sống ở những căn phòng rộng chỉ khoảng 16 m2 không đủ tiện nghi. Bù lại, họ có được sự thuận tiện cho việc mưu sinh, học tập. Nội thành Hà Nội còn rất nhiều phòng trọ chật chội như vậy, dù nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi chỉ vừa đủ để 2 xe máy lách qua nhau. Đơn giản vì giá thuê phòng phù hợp với túi tiền của người thuê, đó là sinh viên và người lao động ngoại tỉnh.

Nói về thực trạng này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: "Đây là câu chuyện làng lên phố và sự bất cập của quy hoạch… Chỉ có phát triển các khu đô thị mới và từng bước đưa các khu dân cư hiện nay thành đô thị cổ để tham quan, còn nếu ở thì không an toàn".

Có thể thấy, một phần nguyên nhân khiến nội đô trở nên đông đúc, chật chội, "quá tải đủ thứ" là do bất cập trong quá trình thực hiện giãn dân, di dời cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện ra ngoại thành.

Còn nhớ, sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini, một cán bộ cấp cơ sở ở Hà Nội trải lòng rằng: "Với cháy, nổ thì không ai nói tài được".

Đúng là với cháy, nổ thì không ai nói tài được nhưng rõ ràng, việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, thực chất các quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy đối với các loại hình chung cư mini, nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất sẽ giúp hạn chế thấp nhất hậu quả nếu hỏa hoạn xảy ra.

Và, trong quá trình khắc phục các bất cập về quy hoạch, cả hệ thống chính trị của TP.Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa, cùng sự tham gia, ý thức chấp hành của người dân để đề phòng "giặc lửa", để không xảy ra thêm những vụ hỏa hoạn thảm khốc, làm chết nhiều người như thế nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.