Bên cạnh câu chuyện bền vững của các thương hiệu thời trang quốc tế còn có rất nhiều thương hiệu Việt, của người Việt phát triển chậm nhưng chắc chắn khi đi theo định hướng phát triển bền vững.
Chia sẻ bài viết
Tiếp tục chuỗi talkshow về kinh doanh thời trang, Style Republik đã mở ra chủ đề Thời trang bền vững – Bền vững và lợi nhuậncó thể đồng hành cùng nhau? mở ra những góc nhìn thú vị. Ở thời điểm cả thế giới đang oằn mình vì Covid-19 thì việc làm sao để có lợi nhuận xoay vòng, có thể sống sót và đi tiếp của thời trang và các mô hình kinh doanh bền vững càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Khi nói đến bền vững không thể không nhắc đến 5R, bao gồm Refuse (từ chối) - Reduce (giảm thiểu) – Reuse (tái sử dụng) – Recycle (tái chế) và ROT (phân hủy). 5R ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ giảm rác thải nhựa đến tiêu dùng và thời trang. Trong những năm gần đây, cụm từ “bền vững” được nhắc đến nhiều. Có người gọi bền vững là xu hướng (trend) hay lối sống thời thượng, văn minh. Tuy vậy, thử nhìn ngược chiều thời gian trong quá khứ chúng ta có thể thấy những hoạt động rất quen thuộc của 5R. Các thế hệ 7X trở về trước có rất ít quần áo hay đồ đạc và mỗi món lại được sử dụng cho nhiều mục đích. Ông bà cha mẹ chúng ta có thói quen sửa quần áo đã chật cho trẻ nhỏ, cắt may quần áo cũ thành áo gối, mạng lại chỗ rách trên vớ tất, quần áo để dùng tiếp… Mọi người làm điều tương tự với đồ đạc trong gia đình, với sách vở cũ khi hết năm học… Tất cả những việc này chính là tái chế, tái sinh, tái sử dụng.
“Bền vững là lối sống, là thói quen hàng ngày. Chính ông bà chúng ta là những người tiên phong tiêu dùng bền vững”, chị Vũ Thảo – nhà thiết kế và sáng lập thương hiệu Kilomet 109 nhận xét.
Nhớ lại “thời của ông bà”, chị Hà Mi – Đồng sáng lập Style Republik nói về cảm giác háo hức chờ đợi những chiếc áo quần thời xưa. Khi cần một bộ trang phục mới, người khách phải đến tiệm đo, may và bộ trang phục được làm riêng cho một người vì thế người ta rất trân quý. Trong những năm gần đây, bền vững trở thành từ khóa “hot” trong các chương trình giảm rác nhựa, môi trường và đặc biệt trong các chiến dịch thời trang của nhiều thương hiệu lớn. Đã có những lầm tưởng cho rằng bền vững là một xu hướng mới du nhập vào Việt Nam. Còn riêng với Helly Tống - nhà sáng lập The Yên Concept và Lại Đây Refill Station thì: “Bền vững là tư duy mới. Bởi vì xu hướng hoặc lối sống chỉ có ý nghĩa tương đối và mang tính tạm thời”.
Chị Vũ Thảo cho biết Covid-19 đã mang đến những trải nghiệm thật khác biệt. Trước đây, có trên 70% khách hàng của Kilomet 109 là người nước ngoài và khách du lịch. Khi đại dịch đến, lượng khách quốc tế thưa vắng nhưng lại xuất hiện một lượng khách hàng nội địa. “Dù kế hoạch mở thêm cửa hàng phải tạm dừng nhưng chúng tôi vẫn sống sót. Tôi cho rằng các thương hiệu thời trang có giá trị vượt ra ngoài giá trị ăn mặc thông thường sẽ tồn tại”, Vũ Thảo cho biết. Giá trị ngoài thời trang của Kilomet 109 là giá trị lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng thời tạo sinh kế cho cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Là CEO của công ty cung ứng giải pháp may mặc và chất liệu thời trang bền vững Faslink - bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết thời điểm 10 năm trước, khái niệm về nguyên liệu xanh còn rất mới lạ trong ngành thời trang Việt Nam. Tuy vậy bà Xuân và các cộng sự vẫn kiên trì quyết tâm với con đường của mình trong việc phát triển và cung cấp các chất liệu may mặc mới từ cà phê, vỏ hàu, sợi tre…
Còn với Helly Tống, khi bắt đầu khởi nghiệp thì cả hai mô hình kinh doanh của cô đều mới và ẩn chứa nhiều thử thách. Tuy nhiên, cựu du học sinh Úc đồng thời là một fashionista, influencer và một người mẫu được yêu thích đã chuẩn bị chiến lược. Cô cho biết: “Mỗi mô hình khi đưa vào vận hành cần được tính toán, có chiến lược rõ ràng để biết cần bao lâu để chạm đến nhóm khách hàng tiềm năng, làm sao để định vị được thương hiệu, điểm hòa vốn… Nếu mô hình thành công lợi nhuận sẽ được dùng để xoay vòng và nuôi bộ máy nội bộ. Còn nếu thất bại thì kế hoạch tiếp theo (backup plan) là gì. Đây là con đường dài và phải chiến đấu. Tuy nhiên khi đã chọn kinh doanh bền vững hãy xem lợi nhuận là kết quả của việc sáng tạo”.
Nhiều gợi ý đã được đưa ra cho các bạn trẻ muốn đi theo con đường thời trang bền vững như việc bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ: sản phẩm một đường may, làm cúc nút bằng vỏ sò vỏ ốc, thay đổi cách đóng gói bằng bao bì tự nhiên có thể phân hủy hoặc tái chế. Trong công việc của một nhà thiết kế thì mục tiêu bền vững trở thành thử thách để thiết kế và cắt vải được tiết kiệm nhất. Ngoài ra, bạn trẻ còn có thể hợp tác với các nhóm sinh viên nghiên cứu về chất liệu của các trường đại học, liên kết với các nghệ nhân, cộng đồng thủ công hay giới nghệ sĩ và cộng đồng nghiên cứu khoa học…
Một món đồ trở thành rác khi không còn giá trị sử dụng. Quần áo thời trang đã và đang trở thành một loại tài nguyên. Đã có nhiều thương hiệu tổ chức các chương trình thu gom quần áo cũ. Ngoài mục đích cho tặng các đối tượng phù hợp, quần áo cũ còn có được nghiền nhỏ để tái chế thành vật liệu mới cho ngành dệt may”. Bên cạnh đó, những mô hình kinh doanh thời trang tái sử dụng đang hiện hữu như Give Away, Coco Dressing Room, Re.loved… cũng là một giải pháp của thời trang bền vững.