Vòng đời của một con tằm là cố định. Chúng sẽ lột xác nhiều lần trước khi bắt đầu nhả tơ làm kén. Thường đến giai đoạn nhả tơ, người thợ sẽ phải đưa tằm lên né (né là công cụ bằng gỗ hoặc bằng tre gồm hàng ngàn hình vuông nhỏ ghép vào nhau) để tằm làm điểm tựa nhả tơ quấn kén. Cách làm này đã duy trì cả ngàn năm qua, kể từ khi nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ra đời và phát triển. Tuy nhiên, nghệ nhân Phan Thị Thuận thì không muốn làm vậy nữa.
Chăn tơ tằm có trọng lượng chỉ bằng 1/3 so với chăn làm bằng chất liệu khác. Khăn, áo, khẩu trang tơ tằm nhẹ nhàng, mềm mại massage cơ thể, thông thoáng
Bà muốn thử nghiệm cách làm mới, cách làm khác hẳn so với những gì mà cha ông truyền lại, vừa tiết kiệm nhân công và cho ra đời những sản phẩm thật độc đáo. Dù rằng bà đã lớn lên trong cái nôi của làng nghề canh cửi, đã hiểu rõ về con tằm, cách nó ăn dâu, làm tơ, quấn kén cũng như đã thuộc lòng từng công đoạn kéo tơ, dệt sợi, làm vải…
Mặt nạ tơ tằm đặc biệt dưỡng da. Các màu nhuộm lên lụa tơ tằm được chiết xuất từ lá, thân, rễ cây tự nhiên nên cho gam sắc bắt mắt, cuốn hút
Bà bắt đầu việc đầu tiên là "phá" né - bỏ đi cái ổ, điểm tựa quấn kén của tằm. Chỉ có cách bỏ né đi thì con tằm mới tự hình thành thói quen nhả tơ khác thay vì cách "lắc" mình hình số 8 quấn cái kén tròn như thường lệ.
Thay vào đó, bà "thả" chúng trên mặt phẳng rộng, "canh, chỉnh" hướng bò của chúng để chúng làm quen với "mặt bằng" mới và buộc phải nhả tơ khi đến kỳ. Ban đầu việc này không hề dễ song do sự kiên trì và quyết tâm làm mới nghề truyền thống mà bà Thuận đã từng bước thành công, đạt được như ý.
Từng lớp tơ óng ả, thay vì cuộn tròn thành những chiếc kén nhỏ như đã quen thì nay lại khác. Chúng được dàn đều trên mặt bằng đã tạo, trở thành những tấm kén phẳng lỳ, đẹp và lạ đến ngỡ ngàng. Đem đi đun, nấu nó nở bung lên thành tấm chăn mịn màng, bóng bẩy, ấm áp.
"Dàn công nhân" tằm của bà Thuận từ đó đều đặn "lao động" và sản xuất ra những chiếc chăn tơ tằm hay những mảnh kén lớn để người thợ tạo nên những sản phẩm thời trang khác như khăn, khẩu trang…
Sản phẩm của "công nhân" tằm làm ra tới đâu bán hết tới đó bởi những hiệu quả, lợi ích vốn đã rất rõ trong tơ tằm tự nhiên mà cũng bởi đặc tính độc, lạ trong sản xuất của người nghệ nhân làng Phùng Xá, Hà Nội.
Tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến nhà bà Thuận không chỉ để xem, mua lụa mà còn học hỏi và chiêm ngưỡng cách dệt lụa, "huấn luyện và điều hành" hàng ngàn con tằm của bà.
Rất nhiều khách hàng thời trang, nhà nghiên cứu và chuyên gia thời trang đã tìm đến để tham quan, khám phá, học hỏi các sáng kiến "chăn tằm", dệt lụa tơ của bà Thuận
Được xem như có một không hai trên thế giới, cách làm của người nghệ nhân tâm huyết này khiến rất nhiều chuyên gia thời trang trong nước, quốc tế "bị thuyết phục". Nhiều lớp học thời trang về tận nhà bà để thực hành, làm workshop và trao đổi kinh nghiệm.
Được chia sẻ những sáng kiến của mình với lớp trẻ - sinh viên ngành học thời trang bà Thuận rất vui. Bà tin tưởng nỗ lực của mình góp phần hồi sinh nghề dệt thủ công
Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết bà rất yêu quê, yêu nghề và yêu những gì mà bà được thừa hưởng từ cha ông để lại.
Bà có một khao khát rất lớn đó là lan tỏa ngày càng rộng phương pháp dệt lụa, tạo xưởng do "công nhân" tằm làm việc. Làm mới nghề, sáng tạo với nghề và độc đáo hóa nghề chính là cách để nghề truyền thống không bị mai một, bà Thuận khẳng định.
Ảnh: Quảng Hà, NVCC