Bài: Ngọc Huyền
Hãy ăn rau củ cá thịt tươi ngon
Chị Thu Hương có con trai 13 tháng tuổi đang sống ở TP.HCM. Ngoài công việc biên tập viên truyền hình, chị còn kinh doanh bán hàng xách tay từ Nhật thường xuyên đặt hàng và giao các mặt hàng như sữa, thức ăn đóng hộp... mua từ Nhật nhưng khi nuôi con, chị chủ trương tận dụng những thứ sẵn có của gia đình. Chị kể: nhà bà ngoại ở Đồng Nai nên tuần nào cũng gởi cho gạo, trái cây và rau xanh nhà trồng. Ông bà nội quê miền biển mỗi tháng cũng đôi lần gởi các loại cá mực tôm cua... Các thực phẩm tự nhiên, nhiều và có sẵn như thế nên con tôi không có nhu cầu ăn thức ăn đông lạnh, đóng hộp. Thế nhưng những bữa ăn của con được tôi chụp ảnh đăng lên facebook thì luôn nhận được những bình luận trái chiều. Ông bà ở quê cũng hay gọi điện than sao cháu mình không bụ bẫm tròn trịa như những đứa trẻ khác”. Rèn cho con thói quen ăn uống lành mạnh là quan điểm của chị Minh Tú, mẹ của hai bé trai 5 và 3 tuổi. “Tôi không bao giờ cho con đi ăn rong. Tôi cố gắng rèn cho con thói quen tốt, đến giờ ăn phải ngồi nghiêm túc, không ăn thì thôi chứ không ép hay nịnh để con ăn. Tôi bị ông bà la thường xuyên, còn bị gọi là “mẹ mìn”. Dù vậy, tôi vẫn kiên quyết với nền nếp ăn uống mình đã đặt ra”.
Ngoài ra, chị Tú cũng không chạy theo những trào lưu nuôi con hiện đại. Chị cứ nhớ lại cách mình và các em lúc nhỏ được cha mẹ nuôi lớn, cho ăn uống như thế nào thì nuôi con giống như vậy. “Con thích uống sữa thì uống, tôi không ép và cũng chẳng bận tâm sao bé không thích váng sữa hay phô mai. Tôi nghĩ thứ gì mình ăn thì mình cho con ăn, còn thứ mình không ăn thì sau này con lớn nó thích thì sẽ tự tìm hiểu”, chị Tú tâm sự.
Kiên trì với chính bản thân
Chị Thu Hương chia sẻ: “Mọi người nói gì tôi mặc kệ, tôi chụp ảnh các bữa ăn của con đăng lên vì thích, muốn sau này xem lại có nguyên một câu chuyện ăn uống bằng hình ảnh mà thôi”. Chị vẫn nuôi con theo ý riêng của mình: tập cho con bốc ăn, ăn thô khi bé 7 - 8 tháng tuổi; bình tĩnh xử trí những khi con hóc hay nôn ói... Giờ thì con trai 13 tháng tuổi của chị đã có thể ăn cùng bữa, cùng món với cha mẹ. Những vất vả ngày đầu rèn giũa thói quen ăn uống cho con của chị đã được bà ngoại thừa nhận. Riêng ông bà nội và bạn bè facebook thì vẫn còn nhiều người băn khoăn “Sao bé không bụ bẫm?”
“Để ông bà, chú dì và thậm chí là các bác hàng xóm không mua snack, nước ngọt cho hai bé, tôi đã phải nói chuyện riêng với từng người”, chị Minh Tú kể. Chị hiểu rằng người lớn vì yêu quý con chị nên thỉnh thoảng lại mua cho hai bé gói snack, cây kẹo. Vì đã đề ra “luật” riêng trong gia đình: chỉ mua và ăn các thức ăn chế biến sẵn, đóng gói vào ngày Chủ nhật nên chị dễ dàng thuyết phục các con không nhận “quà” ngoài danh mục mẹ dặn. Để con không ăn vặt, chị không mua về các loại bánh kẹo, nước ngọt hay đồ hộp mà tự làm các loại trái cây sấy khô, bột đậu... phòng khi cả người lớn và trẻ con đói bụng. Cứ thế, chị Tú tin rằng nếp sống khoa học mà chị dày công thiết lập sẽ giúp các con chị hiểu về thực phẩm và mối liên quan đến sức khỏe, các con chị sẽ dần có được thói quen ăn uống tốt.
Thám tử thức ăn |
“Thám tử thức ăn” là khóa học dinh dưỡng 90 phút dành cho trẻ từ 5 - 10 tuổi. Khóa học giúp hướng dẫn trẻ 5 manh mối để lựa chọn các thức ăn lành mạnh và phát hiện những chiêu thức tiếp thị đánh lừa người tiêu dùng trên bao bì và thành phần nguyên liệu thực phẩm. Chương trình do Tiến sĩ David Katz, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Yale-Griff in, Đại học Y khoa Yale, Hoa Kỳ, cùng vợ là Tiến sĩ Catherine Katz biên soạn. Chương trình được Việt hóa, chỉnh lý và giảng dạy bởi Health Coach Trần Lan Hương. |