Làng nghề dệt đũi Nam Cao, Thái Bình có tuổi đời ngót nửa thế kỷ. So với nhiều làng dệt vải khác trên cả nước, sản phẩm đũi của Nam Cao rất sắc nét, đanh, nhẹ, thoáng mát, dễ tạo phom… và hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bởi một số hạn chế đặc trưng của sản phẩm thủ công truyền thống mà một thời làng và sản phẩm dệt đũi chìm vào quên lãng. Số hộ theo nghề thời điểm đó không có nhiều.
Chia sẻ với phóng viên, nữ doanh nhân Lương Thanh Hạnh (hợp tác xã dệt lụa Nam Cao, Thái Bình) nói: "Làng đũi Nam Cao có một thời hoàng kim mà rất nhiều làng nghề khác ngưỡng mộ. Xã hội chuyển mình, nền kinh tế thị trường xâm nhập tạo ra nhiều thay đổi khiến làng đũi mất đi một nhịp. Hạnh từng làm trong ngành nội thất, trang trí nên biết đến lụa và đũi Nam Cao. Hạnh rất mê mẩn chất liệu thô ráp, mộc mạc của lụa, đũi trong trang trí nội thất và cũng mê luôn sự mịn màng, nuột nà của chúng - ở một cấp độ khác, tinh chế hơn trong thời trang. Thế là bắt tay vào với bà con quyết tâm tìm cách 'sống lại' cùng làng cổ, nghề cổ, kỳ vọng giữ được cái hồn của lụa, đũi".
Á hậu Đỗ Anh Sa chia sẻ: "Kinh doanh trong ngành làm đẹp nhưng Anh Sa rất quan tâm tới thời trang thủ công và truyền thống. Có một thực tế là thời trang thủ công có giá trị thẩm mỹ cao, giàu tính văn hóa và mạnh ở tính độc bản. Ở dòng thủ công cao cấp thì chất lượng, mẫu mã, độ sang chảnh và giá cả không thua kém các sản phẩm hàng hiệu thế giới. Chỉ do xuất xứ từ… làng nên không có độ phủ truyền thông như việc xuất xứ từ… hãng. Hình ảnh từ những người thợ làng đương nhiên không phong phú bằng các chuyên gia hình ảnh, marketing của hãng. Từ đó mà trở nên yếm thế".
"Anh Sa và một số bạn bè vừa tham gia một tour trải nghiệm thời trang thủ công ở làng Đũi, Nam Cao, Thái Bình và cảm thấy rất thú vị. Giá trị của một sản phẩm thời trang thủ công vượt ra ngoài chính bản thân. Có thể nói, sản phẩm thời trang thủ công cuốn hút nhất là ở cách làm ra nó. Sự khéo léo của đôi bàn tay những nghệ nhân trong hành trình tạo ra sản phẩm là rất đáng xem", Á hậu Anh Sa nói.
Tìm các bạn hàng, thị trường quốc tế là một hướng đi phổ biến vừa có ích lợi quảng bá lại vừa có doanh thu cao đối với các làng nghề thời trang, xưởng sản xuất thủ công. Nhưng, vô hình trung nó lại bỏ ngỏ thị trường nội địa, phần nào "bỏ quên" người tiêu dùng Việt vốn rất tiềm năng. Và, để họ "rơi" vào "tay" các thương hiệu thời trang Âu, Mỹ, Ý - ở phân khúc cao và Trung Quốc, Hàn Quốc ở phân khúc trung bình, thấp.
Việc đa dạng hóa các cách tiếp cận thời trang, tạo ra những cơ hội trải nghiệm để tăng sự hiểu biết về thời trang và làm phong phú cảm xúc thời trang là thế mạnh cũng là sự phù hợp với sự phát triển của các làng nghề, thời trang thủ công. Hiện tại, cách làm này này đang rất hiệu quả. Làng thời trang Việt vì thế cũng trở nên ngày một rộn rã bởi những hoạt động liên kết hữu ích, thú vị như này.
Ảnh: NVCC