Nếu ngừng hy vọng chúng tôi sẽ rơi khỏi cuộc sống…
7 tuổi, Kaycee ( sống tại Quận 5, Sài Gòn) đã ý thức về giới tính và bắt đầu biết tự ti vì thấy mình không giống chúng bạn. Càng lớn, sự khác biệt bộc lộ càng rõ. Một cá tính người nữ yếu đuối, nũng nịu, luôn thích được yêu chiều, chau truốt trong hình hài thô kệch của một người nam.
Khoảng cách của Kaycee với thế giới theo năm tháng mỗi ngày mỗi rộng lớn dần, bởi sự trêu chọc của chúng bạn và những lời đùa ác ý của mọi người xung quanh. Các LGBT thường rất mặc cảm về thân phận của mình, bởi, chúng tôi cảm nhận sự cô đơn từ rất sớm. Xung quanh không có ai, cái gì cũng thiếu thốn, bề ngoài chúng tôi càng gồng lên thể hiện thì bên trong lại càng dễ vỡ vụn, tổn thương bấy nhiêu… Kaycee tâm sự.
16 tuổi, Kaycee bắt đầu tham gia vào làng mẫu Việt. Được trình diễn trên catwalk, trong những show diễn lớn là khao khát, là ước muốn của tất cả người mẫu nhưng với các LGBT thì mức độ mong muốn đó được gấp lên rất nhiều lần. Bởi, dưới ánh đèn, trong các bộ trang phục nữ, họ được tung váy, hất vai, đánh eo, thoả sức thể hiện sự gợi cảm và… được ngắm nhìn. Khao khát nhưng những LGBT cũng chỉ dám mơ đến các show diễn hạng B, C và thấp hơn, dù nối tiếng.
Ngay ở những show này, cũng phải xếp hàng, đôi khi phải may mắn hay do có quan hệ thân thiết với các nhà thiết kế mới được tham gia. Bởi, một show diễn khoảng 40 người mẫu thì cũng chỉ có khoảng 2,3 suất diễn cho LGBT.
Tích cực mà nói, ở các show này, các LGBT sẽ gánh gồng những bộ trang phục nặng, thiết kế đặc biệt còn tiêu cực mà nói thì… chúng tôi là “yếu tố thu hút” sự hiếu kỳ của khán giả. Biết là thế nhưng vẫn mơ ước. Bởi nếu không mơ ước, không “vượt” lên sự tự ti, sự mặc cảm đó, chúng tôi sẽ rơi khỏi… cuộc sống.
Những món nợ… đời hay để được làm đàn bà quá đắt đỏ?
20 tuổi, Kaycee cao 1m76, cô khá thuận lợi trong vai trò là một người mẫu. Để được phát triển hơn, cô quyết tâm dành tiền để đi phẫu thuật chuyển giới.
Thông thường, mỗi ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ tốn từ một vài trăm triệu đồng đến gần tỷ đồng ( tuỳ theo “gói” và chi tiết các hạng mục dịch vụ). Người chuyển giới mất ít nhất một tháng để hồi phục cơ bản. Tuy mất ngót một tháng nhưng hành trình “vất vưởng” bên đất khách ( Thái Lan) cũng có nhiều gian nan.
Với Kaycee, để có thêm thu nhập, cô không dám trông chờ vào các suất diễn ít ỏi của các người mẫu LGBT trong các show diễn thời trang. Cô làm thêm nghề trang điểm nhằm tích cóp chi phí trả cho cuộc phẫu thuật giới tính mà cô mơ ước từ lâu.
Kaycee kể: Ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác tại Việt Nam, những người chuyển giới như những con cá hồi, trước sau cũng tìm cách trở về… gốc gác. Thế nên, ngay khi có thể tự lập được là tôi nghĩ đến việc đi làm rồi vay mượn bạn bè, gia đình. Cầm trong tay một số tiền lớn tới mức từ bé tôi chưa bao giờ được sờ tới, cùng với “người chị” ( cũng là một LGBT, có kinh nghiệm, biết tiếng Thái – pv) và một LGBT khác chúng tôi sang Thái Lan thuê nhà, phẫu thuật và đợi hồi phục.
Cầm trong tay một số tiền lớn tới mức từ bé tôi chưa bao giờ được sờ tới, cùng với “người chị” ( cũng là một LGBT, có kinh nghiệm, biết tiếng Thái – pv) và một LGBT khác chúng tôi sang Thái Lan thuê nhà, phẫu thuật và đợi hồi phục. Thời gian trong phòng phẫu thuật mất khoảng gần một ngày. Thời gian còn lại là ra vào viện khám, chăm sóc vết thương và tiêm trợ kháng sinh hàng ngày. Đến khi cơ thể ổn định ( khoảng 3,4 tuần), các LGBT mới về nước. Các LGBT ít tiền thì sẽ rút ngắn thời gian dưỡng thương lại cho đỡ tốn kém.
Hầu hết những người thực hiện chuyển giới là những người làm việc tự do, thu nhập không ổn định. Để đi phẫu thuật chuyển giới họ phải đi vay mượn một số tiền lớn và cặm cụi trả nợ trong nhiều năm, nhiều tháng… Phẫu thuật tốn kém nhưng sau khi được sở hữu hình hài mong muốn, các LGBT vẫn phải chi trả nhiều khoản liên quan như thuốc thang, mỹ phẩm, tiêm hormone...
Những chi phí này, nếu so với một người bình thường thì không quá lớn nhưng với một LGBT thu nhập bấp bênh cũng là một khó khăn. Nhưng đó không phải là tất cả nỗi buồn. Có một thực tế là ngay cả khi phẫu thuật thành phụ nữ trở về, chúng tôi chỉ… giống như một phụ nữ thôi.
Một cái giá quá đắt đỏ và một hành trình thật gian nan chỉ để được là một phụ nữ như thế. Và, sau cuộc chuyển giới thì hầu như mọi thứ từ sự kỳ thị đến những khó khăn khác… vẫn còn nguyên. Với LGBT, làm bạn, họ còn không muốn làm, nói gì đến chuyện yêu đương, gần gũi, chia sẻ… Áp lực lớn nhất với Kaycee hiện nay còn nằm ở chỗ… cô là con trai duy nhất trong một gia đình gốc Hoa. Trách nhiệm của cô là phải có người nối dõi cho gia đình.
Mang hình hài của một phụ nữ, Kaycee ban đầu bị gia đình phản đối nhưng sau họ cũng chấp nhận. Thế nên cô cũng tâm nguyện sẽ phải “trả món nợ có người nối dõi” cho cha mẹ mình. Đó là một món nợ lớn nhất cuộc đời cô, “áp lực trả nợ lớn” gấp nhiều lần món tiền cô đã từng gom góp, vay mượn mang đi chuyển giới. Để chuẩn bị cho ngày có điều kiện “trả nợ”, Kaycee cũng đã đi lưu trữ tinh trùng…
Phải sống và không ngừng hy vọng…
Tuy nhiên, Kaycee cũng chia sẻ: Mạnh mẽ và “trì” với cuộc sống này là điều đầu tiên mỗi LGBT phải có để tồn tại. Có nhiều thứ với người thường là hiển nhiên nhưng với chúng tôi đó là cả một sự nỗ lực. Ví dụ, rời nhà ( với nhiều LGBT thì có khi ở trong chính ngôi nhà của mình) chúng tôi thường xuyên phải nhận những ánh mắt thiếu thiện cảm, giễu cợt, những cười cợt, xì xào…
Khi bạn sinh ra là một LGBT thì dù dưới hình dạng nào ( đàn ông hay phụ nữ, trước hay sau khi phẫu thuật chuyển giới) bạn đều phải học cách “chấp nhận” những điều đó – những điều mà người thường không cần phải học để chấp nhận. Dịch bệnh Covid xảy ra làm khủng hoảng, đình trệ nhiều sự kiện, show diễn nên Kaycee cũng như nhiều LGBT ( phần lớn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật) phải chật vật thu xếp cuộc sống. May mắn hơn một số LGBT khác, Kaycee không phải đi thuê nhà, gia đình cô lại bán quán cơm nên khi ở nhà do dịch cô vẫn có việc là phụ giúp cha mẹ bán hàng.
Kaycee tâm sự: LGBT phải có hoặc học thêm nhiều kỹ năng khác so với người bình thường để có thể sống tốt hơn, ví dụ như cách “bơ” đi mọi dị nghị và không ngừng hy vọng. Lớn lên ở Sài gòn, tôi không lạ gì đời sống của các LGBT và cách mọi người xung quanh nhìn chúng tôi, vậy mà cũng có nhiều lúc không quen đâu. Tuy nhiên, với tôi, không suy nghĩ nhiều, hiện giờ và sau này chỉ mong xã hội sớm bình thường trở lại, chúng tôi có nhiều việc làm hơn để có thu nhập.
Theo LS Nguyễn Thị Thu Hà ( Gíam đốc Công ty Luật TNHH Vương Nguyễn Associates): Hiện ở Việt Nam hôn nhân đồng giới không được chấp nhận. Vì Luật Hôn nhân vẫn xác định hôn nhân là giữa nam và nữ. Việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì về mặt pháp lí thì Điều 37 Bộ luật dân sự không cấm, nếu chuyển đổi xong thì được thay đổi các giấy tờ nhân thân tương ứng. Trong trường hợp, các LGBT sống với nhau, nếu có xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản có trong quá trình sống chung, họ cũng sẽ chưa được pháp luật bảo vệ theo Luật Hôn nhân mà sẽ chỉ xử lý như tranh chấp thông thường.