Xét xử nữ 'đại gia ảo' Phùng Thị Nghệ

Phan Thương
Phan Thương
24/05/2024 06:07 GMT+7

Hôm nay 24.5, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Phùng Thị Nghệ (38 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát) về tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' hơn 1.200 tỉ đồng của 2 nữ doanh nhân tại TP.HCM.

Riêng 8 người khác ở nhiều tỉnh, thành tố cáo Nghệ chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỉ đồng, Công an TP.HCM đã tách thành vụ án khác để xử lý ở giai đoạn 2, do hết thời hạn điều tra.

Nghe.jpg

Phùng Thị Nghệ trước và sau khi bị Công an TP.HCM bắt giam

Công an cung cấp

Vay mượn mua xe sang

Theo cáo trạng, từ năm 2019 - 2021, Phùng Thị Nghệ dùng tiền vay mượn mua hơn chục xe sang, bất động sản ở những khu vực có giá trị cao. Việc làm này của bị cáo nhằm xây dựng hình ảnh doanh nhân thành đạt, đồng thời Nghệ giới thiệu bản thân có nhiều cây xăng, quầy thu đổi ngoại tệ và với nhiều mối quan hệ xã hội khác, bị cáo còn đang làm hồ sơ thành lập ngân hàng tư nhân.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động kinh doanh khó khăn nên để có tiền trả gốc, trả lãi cho các khoản vay trước đây đã đầu tư vào bất động sản, ô tô, nắm bắt được tâm lý nhiều người muốn góp tiền đầu tư để được hưởng lợi nhuận cao nên bị cáo kêu gọi góp vốn, cam kết sẽ chi lợi nhuận cao cho các bị hại.

Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định Phùng Thị Nghệ không kinh doanh xăng dầu, quầy thu đổi ngoại tệ hoạt động không hiệu quả, đồng thời Nghệ không đứng tên đại diện pháp luật đối với các quầy kinh doanh thu đổi ngoại tệ; không thực hiện bất kỳ thủ tục thành lập ngân hàng.

Thực tế, sau khi nhận tiền từ các bị hại, Nghệ dùng tiền trả nợ, tiêu xài cá nhân, rồi lại tiếp tục huy động tiền từ các cá nhân khác để trả lại cho các bị hại nhằm nhận được sự tin tưởng.

Lừa 2 nạn nhân hơn 1.200 tỉ đồng

Theo xác minh, số tiền Phùng Thị Nghệ huy động là rất lớn, trên 1.000 tỉ đồng, nhưng bị cáo không đứng tên một tài sản nào, các tài khoản ngân hàng chưa đủ 10 triệu đồng.

Cụ thể, theo hồ sơ, với thủ đoạn và vỏ bọc trên, bị cáo đã chào mời 2 người bị hại là Nguyễn Nhật Linh, Trương Bạch Tuyết, góp vốn với Nghệ kinh doanh xăng dầu, ngoại tệ, ký quỹ để thành lập ngân hàng tư nhân và cam kết sẽ chia lợi nhuận cho bà Tuyết, bà Linh. Tổng số tiền 2 người bị hại đưa cho Nghệ là hơn 1.200 tỉ đồng, trong đó bà Tuyết đưa cho Nghệ gần 602 tỉ đồng, bà Linh đưa cho Nghệ hơn 606 tỉ đồng. Đến năm 2022, Nghệ không còn khả năng trả "lợi nhuận", 2 bị hại trên mới phát hiện bị lừa, tố cáo với công an.

Cơ quan tố tụng xác định bị cáo đã chiếm đoạt của 2 bị hại hơn 1.200 tỉ đồng, đây là căn cứ xác định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tuy nhiên, hồ sơ cũng thể hiện, quá trình kêu gọi "hợp tác", Nghệ đã chuyển lại "lợi nhuận" cho bà Tuyết hơn 416 tỉ đồng, bà Linh hơn 443 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định sau khi trừ đi số tiền 2 người bị hại đã nhận lại từ Nghệ, thì bị cáo còn phải bồi thường cho bà Tuyết hơn 185 tỉ đồng, bà Linh hơn 162 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong một quan hệ dân sự mua bán biệt thự trị giá 75 tỉ đồng tại Phú Mỹ Hưng (Q.7), bà Tuyết đã nhận của Nghệ 25 tỉ đồng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, cơ quan điều tra cấn trừ vào thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường của Nghệ cho bà Tuyết còn hơn 159 tỉ đồng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.