Từ vụ Phùng Thị Nghệ lừa đảo: Có dễ thành lập ngân hàng tại Việt Nam ?

18/04/2022 09:48 GMT+7

Phùng Thị Nghệ đã vẽ ra những dự án là thành lập 'ngân hàng ngoại hối' để lừa đảo nạn nhân. Liên quan vấn đề này, liệu có dễ dàng để thành lập một ngân hàng thương mại ? Việc thành lập ngân hàng cần quy trình, thủ tục gì ?

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 10.4, Công an TP.HCM cho biết vẫn đang mở rộng điều tra vụ án, kêu gọi nạn nhân đến trình báo liên quan đến vụ án bị can Phùng Thị Nghệ (36 tuổi) lừa đảo chiếm đoạt 650 tỉ đồng.

Theo Công an TP.HCM, chiêu thức của bị can Phùng Thị Nghệ là tạo niềm tin với người đã quen biết, sau đó vẽ ra các dự án làm ăn với lợi nhuận cao, rủ góp vốn. Khi các nạn nhân đã tin tưởng và đã hưởng lợi thì Nghệ vẽ ra những dự án lớn hơn, đó là thành lập “ngân hàng ngoại hối”.

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề có dễ thành lập ngân hàng hay không? Và để thành lập một ngân hàng thương mại tại Việt Nam, quy trình, thủ tục như thế nào?

Phùng Thị Nghệ trước và sau khi bị Công an TP.HCM bắt giam

CÔNG AN CUNG CẤP

Thành lập ngân hàng phải trải qua nhiều thủ tục, quy trình

Liên quan đến thủ tục thành lập ngân hàng tại Việt Nam, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định của Luật Các Tổ chức Tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, để thành lập được một ngân hàng thương mại phải trải qua rất nhiều thủ tục, quy trình.

Theo đó, căn cứ theo điều 20 Luật Các Tổ chức Tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017, thì tổ chức tín dụng được cấp giấy phép khi có đủ 5 điều kiện:

  • Thứ nhất, có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Theo điều 2 Nghị định 86/2019/NN-CP về quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì mức vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại là 3.000 tỉ đồng.
  • Thứ hai, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn. Cổ đông sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.
  • Thứ ba, người quản lý, người điều hành, thành viên ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại điều 50 của luật này.
  • Thứ tư, có điều lệ phù hợp với quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.
  • Thứ năm, có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng. Không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại

Đồng thời, phải có hồ sơ cần nộp để được chấp thuận nguyên tắc về việc cho phép thành lập. Sau khi có được văn bản chấp thuận nguyên tắc, Ban trù bị cần nộp hồ sơ hoàn thiện để được cấp giấy phép hoạt động chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo LS Cường, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại sẽ căn cứ quy định Thông tư 40/2011/TT-NHNN.

Đối với hồ sơ nộp trước khi có văn bản chấp thuận nguyên tắc, gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập; Dự thảo điều lệ và đề án thành lập ngân hàng thương mại; Danh sách các cổ đông sáng lập, góp vốn; Sơ đồ tổ chức và mạng lưới hoạt động của ngân hàng dự kiến trong 3 năm đầu tiên; Và chính sách quản lý rủi ro, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, còn phải có hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập. Đối với cá nhân cần có đơn mua cổ phần, bảng kê khai người có liên quan, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp. Báo cáo tài chính 3 năm liền kề, bảng kê khai các loại tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, các khoản nợ.

Đối với tổ chức sẽ gồm đơn mua cổ phần, bảng kê khai người có liên quan theo mẫu quy định tại, giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản tương đương. Giấy CMND, CCCD hoặc hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp của tổ chức tại ngân hàng. Báo cáo tài chính 5 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Cũng theo LS Cường, sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc, Ban trù bị còn phải nộp bổ sung vào hồ sơ các văn bản như: Điều lệ tổ chức và hoạt động ngân hàng; Các biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu tiên, họp Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bầu chức danh Chủ tịch HĐQT; Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu chức danh Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát chuyên trách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.