Thomas L.Friedman: Những gì tôi viết trong 'Thế giới phẳng' giờ đã sai nhiều

06/05/2014 15:40 GMT+7

(TNO) “Những gì tôi viết trong Thế giới phẳng trước đây giờ đã sai nhiều, bởi thế giới bây giờ đã phẳng hơn rất nhiều”, Thomas L.Friedman dí dỏm chia sẻ.

>> Hiệp sĩ Việt trên thế giới phẳng
>> Du lịch thời thế giới phẳng
>> Giải mã game online: Trong thế giới phẳng
>> Nhà báo VN trong thế giới phẳng
>> Từ cậu bé chăn trâu thành ông chủ tập đoàn đa quốc gia
>> Làm việc ở công ty đa quốc gia Mỹ
>> FBI phá đường dây đánh cắp thẻ tín dụng đa quốc gia

Lần thứ 2 trở lại Việt Nam kể từ năm 1995, tác giả cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng, Thomas L.Friedman đã dành thời gian gặp gỡ và giao lưu với phóng viên báo chí Việt Nam sáng 6.5.

Thomas L.Friedman là nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng ở Mỹ, phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ báo The New York Times.

Chia sẻ về lý do đến Việt Nam, Thomas L.Friedman cho rằng, muốn xây dựng chuyên mục do ông phụ trách hướng nhiều hơn vào khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cho đến bây giờ, quyết định này là chính xác và khu vực này ngày càng có tầm quan trọng trên thế giới.

“Nếu nhìn lại tình hình thế giới khi cuốn sách Thế giới phẳng ra đời, ông thấy có sự thay đổi thế nào”, một phóng viên Việt Nam đặt câu hỏi.

Thomas L.Friedman dí dỏm đáp: "Tôi thấy mình sai rất nhiều so với thời điểm viết ra Thế giới phẳng. Bởi thế giới giờ đây đã rất phẳng rồi. Thế giới đã phẳng hơn nhờ các thành tựu như Facebook, Twitter… Nhờ có mạng xã hội, con người giữa các quốc gia có thể liên kết dễ dàng, trở thành những siêu liên kết. Giữa các quốc gia cũng vậy khi các mối quan hệ đều có sự ràng buộc, phục thuộc lẫn nhau. Mọi sự thay đổi ở các quốc gia này đều tạo ra sực tác động, ảnh hưởng đến các quốc gia khác".

 TThomas L.Friedman: Những gì tôi viết trong 'Thế giới phẳng' giờ đã sai nhiều
Thomas L.Friedman chia sẻ với báo giới tại Hà Nội - Ảnh: P.Hậu

Cũng theo quan điểm của Thomas L.Friedman, trong thế giới phẳng ngày nay, cần nhất là tính sáng tạo trong lao động, để tạo sức mạnh cạnh tranh và phát triển thịnh vượng.

Việt Nam có lợi thế nhiều lao động. Nhưng trong thế giới hiện nay, các tập đoàn trên thế giới có nhiều lựa chọn, đến Mỹ hay các quốc gia phát triển khác, bởi họ có thể đầu tư vào robot thay cho con người. "Đã đến lúc người lao động không thể làm việc làng nhàng, muốn phát triển thì phải có sáng tạo bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của bản thân", Thomas L.Friedman nhấn mạnh.

Cũng theo Thomas L.Friedman, không thể coi nguồn lực lao động là lợi thế cạnh tranh duy nhất. Điều quan trọng, mỗi lao động cần có trình độ và sự sáng tạo. Việt Nam là quốc gia nhỏ, muốn phát triển thì chính sách phải là nhân tố thúc đẩy. Chính sách hiện giờ là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để các nhà đầu tư thấy rằng họ chọn Hà Nội sẽ tốt hơn Quảng Châu (Trung Quốc) hay bất cứ nơi nào khác.

Ngoài gặp gỡ và giao lưu với đồng nghiệp Việt Nam, trong thời gian từ 6 - 11.5, Thomas L.Friedman sẽ tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi với doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề phát triển công nghệ sinh học, năng lượng xanh và các bài nói chuyện chuyên đề về bài học thành công, thất bại, những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong tương lai.

Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.