Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa thay mặt Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, toàn quốc hiện có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng.
Cụ thể, có 66.723 thành viên bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Phương án khi xây dựng luật là thống nhất 3 lực lượng nói trên thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, được bố trí thành 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, yêu cầu từng địa phương.
Bản chất là sử dụng nguyên trạng lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay. Do đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, việc thống nhất lực lượng nói trên không làm phát sinh biên chế, đồng thời cũng không làm tăng chi ngân sách.
Về các khoản chi cho lực lượng mới theo quy định tại dự luật, Bộ trưởng Công an cũng cho hay, tổng mức chi trung bình dự kiến của một tỉnh, thành phố cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất là khoảng 2,4 tỉ đồng/ tháng/tỉnh, thành phố, trung bình khoảng 28,8 tỉ đồng/năm.
Theo ông Tô Lâm, mức chi này là tương đương so với khoản chi trung bình hiện nay cho 300.000 người hiện có, vào khoảng 20 - 30 tỉ đồng/năm, trung bình là 2 - 2,5 tỉ đồng/tháng.
5 khoản chi cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
Báo cáo cũng cho hay, khoản chi 28,8 tỉ đồng cho lực lượng mới bao gồm 5 mục. Trong đó, mức chi hỗ trợ hàng tháng khoảng 1,4 - 2,4 tỉ đồng/tháng/địa phương.
Mức chi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế khoảng 45 tỉ đồng cho toàn bộ lực lượng 300.000 người, trung bình mỗi tỉnh, thành chi khoảng 700 triệu đồng.
Về kinh phí bảo đảm trang thiết bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách, báo cáo cho hay, toàn quốc dự kiến 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự, mỗi tổ trang bị 2 dùi cui cao su (niên hạn sử dụng trung bình là 5 năm thay thế mới) và với giá thành hiện nay trung bình là 60.000 đồng/1 chiếc thì tổng mức kinh phí cần phải bảo đảm dự kiến là 12 tỉ đồng/5 năm.
Trung bình 1 tỉnh, thành phố cần bảo đảm kinh phí là khoảng 200 triệu/5 năm và trung bình 1 năm là khoảng 40 triệu đồng/1 năm (3.3 triệu/1 tháng).
Về dự kiến kinh phí bảo đảm trang bị hồ sơ, sổ sách là khoảng 12 tỉ/tháng. Trung bình 1 tỉnh, thành phố phải bảo đảm khoảng gần 200 triệu đồng/tháng để chi trả.
Như vậy, về dự kiến tổng mức kinh phí để bảo đảm trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của 1 tỉnh, thành phố trung bình là khoảng 203 triệu đồng/1 tháng.
Mức chi bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biên hiệu, giấy chứng nhận… theo báo cáo, trung bình cần đầu tư khoảng 500.000 đồng/người để thay đổi trang phục, phù hiệu, huy hiệu, biển hiệu, và in, cấp giấy chứng nhận (niên hạn sử dụng trung bình là 5 năm thay thế mới) thì tổng mức chi là khoảng 150 tỉ đồng/5 năm.
Trung bình 1 tỉnh phải bảo đảm khoảng 2.4 tỉ đồng/5 năm và trung bình 1 năm/1 tỉnh là khoảng hơn 400 triệu/1 năm (33 triệu/1 tháng).
Về mức chi để bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, không làm phát sinh chi phí do lực lượng mới sẽ tiếp tục sử dung địa điểm, nơi làm việc trước đây đã bố trí cho lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách.
Đồng thời, cũng có thể bố trí tại địa điểm, nơi làm việc của công an xã, nhà sinh hoạt động đồng thôn để hoạt động.
Dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã trình Quốc hội tại kỳ họp 10 (10.2020) song bị Quốc hội trả lại để Chính phủ nghiên cứu hoàn thiện thêm. Dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội quyết định đưa lại vào chương trình xây dựng luật năm 2023 - 2024.
Bình luận (0)