Thông tắc ống mật cho người phụ nữ bị 2 khối u chèn ép

Lê Cầm
Lê Cầm
17/11/2022 10:07 GMT+7

Bệnh nhân nữ L.V (40 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương ) bị 2 khối u lớn gây chèn ép ống mật chủ, điều trị nhiều lần nhưng không thành công, được bác sĩ dùng kỹ thuật mới thông tắc.

Tắc ống mật do hai khối u lớn, điều trị nhiều lần thất bại

Bệnh nhân được chẩn đoán u đầu tụy và có tiền sử đa u tủy (Kahler) đã được phát hiện và điều trị hơn 3 năm nay. Trước khi điều trị tại Bệnh viện Gia An 115, người bệnh đã nhập viện tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán tắc đường mật do u đầu tụy chèn ép. Các bác sĩ bệnh viện này đã chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đặt stent đường mật-tụy cho người bệnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện ERCP không thuận lợi và không thành công, các bác sĩ phải sử dụng giải pháp thay thế là phương pháp dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da cho người bệnh.

Khối u chèn ép gây tắc đường mật

bvcc

Sau khi can thiệp, bệnh nhân L.V được xuất viện. Nhưng sau đó, do ống dẫn lưu đường mật gây trở ngại trong sinh hoạt, thậm chí bị rò rỉ máu và dịch nên người bệnh đã tìm đến Bệnh viện Gia An 115.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt, vàng da vùng mắt, ngứa kéo dài, ăn uống kém. Các kết quả cận lâm sàng cho thấy người bệnh bị tắc ống mật do 2 khối u lớn (khối u trước lớn 7 cm và khối u sau hơn 5 cm) gây chèn ép ống mật chủ, làm biến dạng tá tràng. Trong khi đó, ống dẫn lưu bị rò rỉ nguy cơ nhiễm trùng cao, nếu không được xử trí kịp thời thì sẽ nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, có tình trạng thiếu máu do rò máu - mật.

Áp dụng kỹ thuật stent mới "hẹn gặp" để thông đường mật

Ngày 17.11, ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn, chuyên gia mật tụy, Trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện Gia An 115, cho biết sau khi đánh giá các nguy cơ, ê kíp đã quyết định thực hiện phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đặt stent đường mật-tụy bằng kỹ thuật "hẹn gặp" (rendez-vous technique).

Đây là kỹ thuật phối hợp cùng lúc hai phương pháp dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da và nội soi mật tụy ngược dòng đặt stent đường mật - tụy. Sở dĩ bác sĩ phải lựa chọn kỹ thuật này vì trước đó, người bệnh đã từng được thực hiện ERCP không thành công do không đưa được dây dẫn vào đường mật..

Đầu tiên các bác sĩ dùng kỹ thuật PTC - PTBD (dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da) để đưa dây dẫn hướng vào đường mật, sau đó xuyên qua vị trí hẹp của đường mật rồi xuống tá tràng. Khi đã chắc chắn dây dẫn xuống được tá tràng, các bác sĩ mới tiếp tục sử dụng kỹ thuật ERCP để đặt stent thông mật qua chỗ chít hẹp (lúc này đã có dây dẫn trong đường mật vượt qua chỗ hẹp).

Sau 2 ngày thực hiện thủ thuật, người bệnh được rút ống dẫn lưu và tiếp tục điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Người bệnh đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn cho biết, kỹ thuật "hẹn gặp" (rendez-vous technique) thường là phương pháp cuối cùng được ứng dụng khi các phương pháp khác đều thất bại. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện ERCP và PTBD. Do đó, nó rất ít được thực hiện tại Việt Nam và cũng ít có báo cáo liên quan.

Bác sĩ Toàn cho biết, trường hợp người bệnh trên là một trong 10 ca bệnh hiếm gặp phải can thiệp bằng kỹ thuật "hẹn gặp" trong hơn 10.000 người bệnh mà bác sĩ từng can thiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.