“Thông thầu” sẽ bị truy cứu hình sự

21/06/2013 03:08 GMT+7

Cho rằng hiện tượng thông thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu đang là vấn nạn trong hoạt động đấu thầu hiện nay, ĐBQH Trần Du Lịch đề nghị dự thảo luật Đấu thầu cần có quy định điều khoản riêng về xử phạt hành vi này và “cứ thông thầu là phải truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Xử nặng

Thảo luận tại hội trường sáng 20.6 về dự thảo luật này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng vấn nạn thông thầu đã quá rõ ràng từ nạn quân xanh quân đỏ, đến rút ruột công trình... Do vậy, tất cả các hành vi thông đồng giữa chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công, dù gây hậu quả nặng hay nhẹ, đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có vậy mới hạn chế được tình trạng thông thầu đang rất nhức nhối hiện nay.

“Thông thầu” sẽ bị truy cứu hình sự
Đại biểu Phạm Văn Cường, Lào Cai

Cho rằng phương thức đấu thầu của VN hiện nay là nguồn gốc của những bất cập, tiêu cực, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) lập luận: Phương thức đấu thấu hiện tại của VN về cơ bản vẫn là kiểu đấu thầu hai bên hoặc "hai bên rưỡi". Đó là giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc giữa chủ đầu tư, tư vấn thuộc chủ đầu tư và nhà thầu. Trong khi xu thế quốc tế là đấu thầu kiểu ba, bốn bên hoặc nhiều bên, tức là tách bỏ tương tác trực tiếp giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong đấu thầu, chuyển đấu thầu về những cơ quan độc lập, chuyên biệt thực hiện. Tại các nước phát triển, các hình thức như trung tâm dịch vụ đấu thầu, sàn giao dịch đấu thầu, công ty quản lý môi trường đấu thầu là rất phổ biến. Nếu hoạt động đấu thầu ở nước ta chỉ duy trì kiểu hai bên thì không thể giải quyết căn cơ các tiêu cực, hạn chế, “quân xanh quân đỏ”, liên minh rút tiền vì chủ đầu tư không phải là chủ sở hữu tài sản đầu tư. ĐB Thường đề nghị sửa đổi luật Đấu thầu theo hướng chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản, kèm theo đó là mở rộng thẩm quyền, tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý thật nặng các hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu, gây thất thoát ngân sách. Chủ đầu tư được quyền chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu chỉ với điều kiện nhà thầu đó được đánh giá là tối ưu hơn ở thời điểm lựa chọn.

ĐB Trần Du Lịch cũng cho rằng, nên nghiên cứu kỹ lại phương thức tổ chức đấu thầu tay đôi như hiện nay thành có định chế độc lập, tay ba, tay tư mà thông lệ quốc tế đang làm; trong đó người đứng ra tổ chức đấu thầu không có lợi ích liên quan...

Bịt kẽ hở chỉ định thầu

Thảo luận về quy định chỉ định thầu trong dự thảo luật, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng các trường hợp chỉ định thầu như quy định trong dự án luật nhưng cần phải quy định chặt chẽ, đặc biệt là các quy định về chế tài khi có vi phạm. ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng thực tế một số gói thầu được chỉ định thầu được giảm giá, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị hạn chế, không mở rộng các trường hợp chỉ định thầu. ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) góp ý, chỉ nên quy định hình thức chỉ định thầu trong các trường hợp bất khả kháng, thiên tai, địch họa và đối với các gói thầu là công trình quốc phòng, an ninh quốc gia; còn tất cả các dự án, công trình khác, cần tổ chức đấu thầu để hạn chế tiêu cực và chống tham nhũng. ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nêu ý kiến, chỉ định thầu là hình thức kém cạnh tranh trong đấu thầu nhưng lại có tỷ lệ áp dụng lớn nhất ở nước ta. Đại biểu cho rằng, nên cụ thể hóa các quy định mang tính nguyên tắc trong chỉ định thầu để tránh sơ hở, lợi dụng chỉ định thầu trục lợi.

ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng cần quy định rõ hơn trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền ra quyết định chỉ định thầu, tránh sự lạm quyền và các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế

Chiều qua, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014 với đa số phiếu thuận. Theo đó, trong số 3 chuyên đề được đưa ra xin ý kiến các ĐBQH để lựa chọn 2 chuyên đề, QH đã thống nhất chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012” để giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7 năm tới. Tại kỳ họp thứ 8, QH sẽ giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng” theo Nghị quyết số 10/2011 của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. 

Theo giải trình của Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trước khi QH tiến hành biểu quyết, qua phát biểu của ĐB tại nghị trường cũng như qua phiếu xin ý kiến từng ĐB, một số ý kiến đề xuất ngoài 3 chuyên đề đưa ra để lựa chọn trên, cần bổ sung các nội dung giám sát khác như tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; về xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, hỗ trợ các doanh nghiệp; những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện, ứng phó với biến đổi khí hậu; việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về cải cách thủ tục hành chính... Tuy nhiên, UB TVQH cho rằng một số nội dung nói trên đã được thực hiện giám sát gần đây, số còn lại do điều kiện có hạn nên không thể đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của QH. Vì vậy, đề nghị QH giao cho UB TVQH, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH nghiên cứu, tiếp thu và lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát theo lĩnh vực phụ trách và sẽ có báo cáo kết quả tới từng ĐBQH.

Cũng trong buổi chiều qua, với sự tán thành của 443/462 ĐB, QH đã thông qua dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú, có hiệu lực từ ngày 1.1.2014; thông qua dự luật hòa giải ở cơ sở (450/465 ĐB tán thành) gồm 5 chương, 33 điều; thông qua luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của luật Doanh nghiệp (414/461 ĐB tán thành).

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2011. Với hơn 90% ĐB tán thành, QH nhất trí thông qua tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 962.982 tỉ đồng và tổng số chi cân đối 1.034.244 tỉ đồng. Bội chi 112.034 tỉ đồng, bằng 4,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Thái Sơn

Lùi thời điểm thông qua luật Đất đai sửa đổi

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, UB TVQH vừa có báo cáo kết quả xin ý kiến ĐBQH về một số nội dung liên quan đến luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có thời hạn thông qua luật. Theo kết quả phiếu xin ý kiến, có tới 292 trên tổng số 348 ĐB phản hồi đề nghị lùi thời hạn thông qua luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để bảo đảm đồng bộ với nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng sẽ được QH thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

 Trong thời gian từ nay đến khi biểu quyết thông qua luật Đất đai sửa đổi, UB TVQH đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện luật cùng các nghị định hướng dẫn để bảo đảm sau khi thông qua, luật này sẽ áp dụng khả thi trên thực tế từ thời điểm 1.1.2014.

Như vậy, so với dự kiến, phiên bế mạc của QH hôm nay, 21.6, sẽ không có nội dung biểu quyết thông qua luật Đất đai sửa đổi.

Bảo Cầm

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.