Thông tim can thiệp cho hai bệnh nhân tim bẩm sinh và tăng áp phổi tiên phát

Lê Cầm
Lê Cầm
20/01/2024 16:12 GMT+7

Một bệnh nhân nam 24 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot và bệnh nhân nữ 36 tuổi, bị tăng áp phổi tiên phát vừa được các bác sĩ thông tim can thiệp tại hội nghị quốc tế “Bệnh tim bẩm sinh và cấu trúc” lần thứ 10.

Đây là một trong những hội nghị lớn trên thế giới về can thiệp tim bẩm sinh với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu từ Mỹ, Anh, Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia… Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM là một trong 6 nơi trên thế giới truyền hình trực tiếp hai ca can thiệp tim mạch từ phòng mổ đến hội nghị.

Ngày 20.1, bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, cho biết trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam 24 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot, đã được phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn từ 2 tuổi. Từ 5 năm trước, bệnh nhân phát hiện hẹp nhánh động mạch phổi, được đặt stent động mạch phổi trái. Cách đây 3 năm, vì hở van động mạch phổi nặng, buồng tim phải giãn nhiều, bệnh nhân đã được thay van động mạch phổi qua thông tim nội soi.

Sáu tháng gần đây, bệnh nhân vài lần xuất hiện triệu chứng đau ngực không rõ ràng. Khi thăm khám, siêu âm tim nghi ngờ tái hẹp động mạch phổi trái. Kết quả chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt tim (MSCT tim) ghi nhận stent động mạch phổi trái bị gãy, gây hẹp lòng động mạch phổi và cần phải can thiệp sớm để đặt lại stent.

Bác sĩ Phúc cho biết gãy stent là biến chứng ít gặp, chỉ xảy ra khoảng 10% trường hợp đặt stent động mạch phổi. Stent gãy có thể gây tái hẹp động mạch phổi trái. Bệnh nhân còn có một van tim sinh học ở phía trước stent gãy. Do đó, thủ thuật can thiệp trở nên phức tạp hơn, có nguy cơ khiến stent cũ di lệch gây thuyên tắc mạch máu, tổn thương van đã đặt.

Bác sĩ luồn một ống thông vào động mạch đùi thông qua một lỗ tiêm nhỏ để đưa dây dẫn và dụng cụ đến động mạch phổi, ở ngay vị trí đoạn stent gãy. "Nếu thủ thuật không khéo, stent gãy sẽ bị bong ngay lập tức và can thiệp thất bại", bác sĩ Phúc cho biết.

Sau thủ thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bác sĩ Phúc cho biết nhờ can thiệp ít xâm lấn, đường mổ đưa stent vào nhỏ, bệnh nhân ít chảy máu, ít đau, mau hồi phục.

Thông tim can thiệp cho hai bệnh nhân tim bẩm sinh và tăng áp phổi tiên phát- Ảnh 1.

Hai ca thông tim can thiệp được truyền hình trực tiếp từ bệnh viện đến hội trường hội nghị

T.H

Với ca thứ 2, bác sĩ Phúc và ê kíp đặt stent ống động mạch cho bệnh nhân nữ 36 tuổi, bị tăng áp phổi tiên phát. Đây là tình trạng các mạch máu nhỏ của phổi thay đổi cấu trúc, trở nên dày và cứng gây hẹp lòng mạch tăng dần. Do đó, tâm thất bên phải khi bơm máu lên phổi phải tăng hoạt động, lâu dần thành tim dày hơn, buồng tim giãn ra, dẫn đến suy tim phải. Chị bị tăng áp phổi gần 20 năm, khó thở khi đi lại, gắng sức nhẹ.

Ống động mạch vốn là cấu trúc mạch máu nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Trong thời kỳ bào thai, ống nối giúp đưa máu từ mẹ sang thai nhi. Sau khi sinh, dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố, ống động mạch nhỏ dần và bít hẳn. Nếu ống động mạch không tự đóng lại, gọi là tật tim bẩm sinh còn ống động mạch.

Theo bác sĩ Phúc, không có thuốc điều trị suy tim phải đặc hiệu. Đồng thời, tiên lượng sống còn sau 5 năm đối với tăng áp phổi tiên phát không điều trị khoảng 50%. Tỷ lệ tử vong, đột tử cũng sẽ tăng cao lên đến 20% nếu phải thực hiện gây mê toàn thân. Bác sĩ đánh giá, bệnh nhân này may mắn có một ống động mạch rất nhỏ. Ê kíp gây tê tại chỗ, đồng thời nong và đặt stent vào để tạo luồng thông nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Sau này, khi áp lực phổi tăng cao, máu sẽ đi từ tim phải qua tim trái, giúp tăng cung lượng tim, làm chậm quá trình suy tim, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Trong quá trình thực hiện, bác sĩ Phúc cùng các cộng sự liên tục tương tác, trao đổi với các thành viên chủ tọa và bác sĩ tham dự hội nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.