Thông tin học sinh, phụ huynh bị rao bán công khai: Vi phạm pháp luật, cần xử lý hình sự

23/03/2023 06:27 GMT+7

Hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin của người khác là vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hành chính từ 50 - 70 triệu đồng và nếu dùng thông tin người khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ GD-ĐT yêu cầu bịt lỗ hổng

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có thông báo về thủ đoạn lừa đảo phụ huynh học sinh. Theo đó, từ đầu tháng 3 đến nay, Công an TP.HCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo 825 triệu đồng với hình thức gọi điện thông báo con bị té ngã chấn thương nặng cần mổ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị quản lý giáo dục các địa phương nhanh chóng tuyên truyền đến phụ huynh thủ đoạn này của tổ chức lừa đảo. Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có).

Vi phạm pháp luật, cần xử lý hình sự - Ảnh 1.

Liên quan các vụ lừa đảo nhắm tới phụ huynh học sinh vừa qua, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu - Công an TP.HCM, cho biết đơn vị đã tiếp nhận các vụ việc nạn nhân trình báo và đang phối hợp cơ quan liên quan điều tra, truy bắt băng nhóm lừa đảo. Theo thượng tá Hà, thông tin cá nhân học sinh bị lộ có thể qua nhiều hình thức khác nhau như: lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp; cửa hàng thu thập làm lộ lọt. Do đó cần có quá trình điều tra, xác minh, làm rõ việc lộ lọt thông tin này từ đâu để xử lý. Ngoài ra, đối với các cơ quan nhà nước, khi quản lý thông tin có quy định chặt chẽ và có quá trình kiểm tra, bảo mật để tránh bị lộ lọt thông tin học sinh, phụ huynh.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho hay hiện thực trạng mua bán, để lộ lọt dữ liệu cá nhân đang ở mức đáng báo động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người. Cũng chính vì lộ lọt thông tin cá nhân nên hằng ngày các đối tượng xấu đã gọi điện, nhắn tin lừa đảo người dân dưới nhiều hình thức khác nhau như giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... để đe dọa, yêu cầu người dân chuyển tiền cho chúng; hay hình thức lừa đảo mới rộ lên gần đây là gọi điện thoại lừa đảo con đang cấp cứu trong bệnh viện, hối thúc chuyển tiền gấp để mổ nhằm chiếm đoạt tài sản…

Trong vụ việc Báo Thanh Niên phản ánh, dữ liệu, thông tin cá nhân của học sinh bị lộ lọt đáng lo ngại và nguy hiểm. Cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ để xác định lộ lọt thông tin từ nguồn nào nhằm xử lý để răn đe. Vị lãnh đạo này nêu ví dụ ngày 8.7.2022, dư luận hết sức bàng hoàng khi trên một diễn đàn trực tuyến có thông tin rao bán dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng, được thu thập từ website về giáo dục với giá 3.500 USD. Kèm theo mẫu dữ liệu là thông tin của một số giáo viên và học sinh ở VN. Số dữ liệu này thu thập được từ một website trường học phổ biến ở VN. Vị này đánh giá việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng hiện diễn ra công khai, trắng trợn. Các cá nhân cũng khó xác định được vì sao thông tin cá nhân của mình bị lộ. Vì vậy, các phụ huynh cần cẩn trọng trước khi đưa thông tin của con lên mạng, hay cung cấp cho các trung tâm học thêm, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục, lớp học online, hội nhóm phụ huynh…

Mua bán, sử dụng trái phép thông tin có thể bị phạt 7 năm tù

Trả lời Thanh Niên, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật, đặc biệt đối với dữ liệu liên quan thông tin của phụ huynh, học sinh... Việc mua bán thông tin cá nhân đã vi phạm quy định tại điều 38 bộ luật Dân sự 2015 về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tùy vào mức độ vi phạm của hành vi mua bán thông tin cá nhân mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự đối với hành vi trên.

Căn cứ theo điểm c khoản 2 điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, mức xử phạt lên đến 60 triệu đồng đối với các hành vi như: sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập, hành vi cung cấp hoặc chia sẻ hay phát tán thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Người dân cần ý thức được sự nguy hiểm của việc để lại thông tin (tên, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ, ngày tháng năm sinh….) của mình và con tại các khu vui chơi, lớp học ngoại khóa, trung tâm ngoại ngữ…. và không chia sẻ thông dữ liệu cá nhân lên mạng xã hội.

Luật sư Trần Minh Cường

Ngoài ra, căn cứ theo điểm a khoản 5, khoản 8, khoản 9 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin hành vi "mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông" có thể bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Bên cạnh đó, tại điều 288 bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, hình phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm lên đến 7 năm tù. Mặt khác, nếu cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép thông tin cá nhân để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 Bộ luật này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.