* Nhà báo dự tòa phải có “giấy phép con”
Từ hôm nay (16.6), chỉ những người được cấp Thẻ nhà báo (TNB) và có giấy giới thiệu của cơ quan mới được quyền tác nghiệp tại tòa án.
Theo Thông tư 01/2014 của TAND tối cao quy định về nội quy phiên tòa (có hiệu lực từ 16.6), nhà báo tham dự để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình TNB và giấy giới thiệu công tác. Giấy giới thiệu phải nộp cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng việc này xuất phát từ thực tế có nhiều phóng viên, nhà báo tới tham dự các phiên xét xử của tòa án nhưng chỉ để nghe thông tin cho biết, chứ không tác nghiệp, viết bài đăng báo. “Thế nên báo nào đưa tin thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan. Còn TNB thì theo quy định khi tới làm việc tại tòa án thì anh phải xuất trình thôi”, ông Sơn nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng quy định đối với hoạt động báo chí tại thông tư trên đang bị “vênh” với Nghị định 51/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Báo chí. Theo điều 8 nghị định này thì nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.
“Theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cùng một vấn đề mà có quy định khác nhau thì phải áp dụng văn bản pháp lý cao hơn, ở đây là Nghị định 51/2002, tức là áp dụng theo luật chuyên ngành. Không thể nào lại có chuyện hiệu lực của thông tư cao hơn nghị định của Chính phủ”, luật sư Hậu phân tích.
Luật sư Hậu cũng cho rằng quy định về quyền hạn của nhà báo được nêu rõ trong luật Báo chí, việc buộc nhà báo đến tòa ngoài xuất trình TNB còn phải có “giấy phép con” là giấy giới thiệu đã đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính, đơn giản hóa giấy tờ của Đảng và Nhà nước. "Tôi cho rằng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cần phải vào cuộc kiểm tra tính hợp pháp hợp hiến đối với Thông tư 01 của TAND tối cao”, ông Hậu nói.
Thái Sơn - Hoàng Trang
>> Dự thảo Pháp lệnh của tòa vi phạm luật Báo chí
>> Thống nhất quy định xử phạt báo chí
>> Thủ tướng yêu cầu soát lại các quy định xử phạt báo chí
>> Thống nhất mức xử phạt báo chí theo Nghị định 81
>> Thiếu bình đẳng trong xử phạt báo chí
>> Xử phạt báo chí nên quy về một mối
Bình luận (0)