'Thư' của Keigo Higashino - Hành trình vượt qua thành kiến để sinh tồn

13/09/2020 15:25 GMT+7

Keigo Higashino hiện diện ở Việt Nam tính đến nay đã có hơn 20 tác phẩm. Có thể nói, sức ảnh hưởng của ông tại Việt Nam tương đương với Haruki Murakami.

Vốn được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” Nhật Bản, nên Thư (IPM, NXB Hồng Đức, Thu Hiền dịch) của Keigo Higashino là một bất ngờ cho độc giả khi mang đến một phong vị khác với những tiểu thuyết trinh thám của Keigo Higashino từng được săn đón như Phía sau nghi can X, Ác ý, Sự cứu rỗi của thánh nữ
Tác phẩm Thư được mở đầu bằng một tình huống “nghẹt thở”: vì cuộc sống tù túng, muốn em trai có tiền học lên đại học, Takeshima Tsuyoshi quyết định đột nhập vào nhà bà Ogata với ý định lấy một ít tiền rồi chuồn một cách mau lẹ, không muốn đem lại cho bà bất cứ rắc rối nào. Tuy nhiên, khi Tsuyoshi gần như sắp sửa đạt được mục đích của mình thì bà Ogata bất thình lình xuất hiện. Trong lúc giằng co, vì nỗi sợ lấn át, Tsuyoshi đã dùng tuốc nơ vít đâm vào cổ bà Ogata khiến bà tử vong ngay tại chỗ. Sau đó không lâu, Tsuyoshi cũng bị cảnh sát bắt.
Thoạt tiên, với cách mở đầu Thư như vậy, Keigo Higashino dễ khiến người đọc liên tưởng đến một cuốn tiểu thuyết trinh thám, vốn là sở trường của ông. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Sau phần mở đầu đầy kịch tính kia, liền sau đó, tác phẩm được mở ra với bức thư của Tsuyoshi gửi cho người em trai Takeshima Naoki. Cái giá phải trả cho tội cướp của giết người của Tsuyoshi là mười lăm năm tù, anh chỉ có thể kết nối và tâm tình với em trai thông qua những lá thư, được gửi mỗi tháng một lần từ trại giam.
Với Thư, Keigo Higashino không miêu tả đời sống ngục tù của Tsuyoshi như một lẽ tất nhiên mà ông tập trung vào hành trình sinh tồn của Naoki. Khi Tsuyoshi bị bắt, Naoki vẫn còn là cậu học sinh trung học. Bố mất sớm, sau đó không lâu người mẹ cũng qua đời. Vào hoàn cảnh đó, mọi thứ quả thật không dễ dàng với Naoki. Chuỗi ngày nối tiếp sau đó của Naoki là chuỗi ngày đầy đơn độc, từ việc phải rời xa căn phòng mà mình gắn bó lâu nay vì không có tiền trả, hay phải đi tìm việc làm để có thể trang trải cho cuộc sống của mình.
Ngoài câu chuyện tình anh em ấm áp, Thư của Keigo Higashino còn riết róng mang đến cho độc giả bức thông điệp mà dường như là vấn nạn đang tồn tại hằng ngày hằng giờ trên thế giới hiện nay. Đó là sự kỳ thị, là thành kiến dành cho những người yếm thế, hay có gì đó khác biệt trong xã hội. Khó khăn nhất với Naoki không phải vì thiếu một chỗ ở hay những bữa ăn mà chính là chịu sự thành kiến của những người xung quanh. Từ trong tù, Tsuyoshi giống như bóng ma, một cách từ từ ám vào cuộc đời Naoki và gần như “phá hỏng” luôn cuộc đời cậu. Ngoài phải từ bỏ tình yêu, Naoki còn phải từ giã đam mê âm nhạc mà cậu đã cất công theo đuổi; sau này, khi đã có vợ và con gái, cuộc sống của Naoki vẫn đầy bất định và luôn phải đối mặt với những âu lo.
Đã có lúc Naoki quyết định tuyệt giao với người anh trai vì cho rằng, chính Tsuyoshi là nguyên nhân “phá hỏng” cuộc đời của mình. Hẳn nhiên không ai có thể phủ nhận điều này, nhưng sâu xa hơn cả vẫn là thành kiến mà những người xung quanh dành cho Naoki. Một cách vô tình, Naoki bị dán nhãn là em trai của kẻ cướp của giết người; chính cái nhãn đó không biết bao nhiêu lần ngăn cản mọi nỗ lực và cố gắng của cậu. Từng có lúc Naoki tưởng rằng hạnh phúc và may mắn đã mỉm cười với mình, nhưng sự kỳ thị của người đời trong phút chốc đã tước đoạt của cậu mọi thứ.
Từ một cậu học sinh trung học cảm thấy bất hạnh khi phải rơi vào tình cảnh mà không ai ngờ tới, cho đến khi trở thành một người đàn ông của gia đình; đó thực sự là một hành trình sinh tồn đầy mạnh mẽ của Naoki. Nhưng có lẽ, khoảnh khắc đánh dấu cho sự trưởng thành của Naoki là khi nói với người bạn của mình, bằng một giọng bình thản đến mức bản thân cậu còn thấy kinh ngạc: “Một thế giới không có phân biệt hay thành kiến, chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng. Bởi con người là loài sinh vật sống không thể thiếu phân biệt và thành kiến”. Chính từ lúc này, Naoki đã không còn phải chạy trốn mà chấp nhận thực tại. Và đó cũng là lúc Naoki tìm thấy sự bình yên cho mình. Bởi lẽ, người ta chỉ có thể đón nhận một cuộc sống an nhiên khi đi xuyên qua những bất hạnh, những mất mát và thương tổn mà thôi.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.