Thú cưng nghi trúng độc chết ở Thảo Điền: Chất độc có thể gây hại cả người

23/06/2021 12:22 GMT+7

Chất độc tìm thấy trong cơ thể chó bị tử vong có tên Strychnine hay thuốc cây mã tiền. Loại chất này gây ngộ độc thần kinh cấp, chỉ 5mg có thể gây chết và tác dụng lên cả con người.

Trên Thanh Niên ngày 16.6 có bài viết Cư dân Thảo điền hoang mang bởi nhiều vụ thú cưng nghi vấn ‘trúng độc’ chết. Tìm hiểu sâu hơn sự việc, phóng viên đã có trao đổi với TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa hiện là giảng viên ngành Thú y, Đại học Nông Lâm TP.HCM, phụ trách chuyên khoa chính của Bệnh viện Thú y Saigon Pet.

"Trúng phải chất này đều không cứu được"

Bác sĩ Nghĩa là người trực tiếp chữa trị trường hợp Peanut, chú chó cưng của vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Thanh Cao (32 tuổi). Theo các biểu hiện lâm sàng và hội chẩn với nhiều chuyên gia ở Pháp và Anh, bác sĩ cho rằng đây là chất độc Strychnine, chiết xuất từ hạt cây mã tiền. Loại chất này được dùng trong chữa trị một số bệnh ở người với liều lượng rất thấp, khoảng 0,1 - 0,8g. Đây cũng là chất có trong các loại thuốc diệt chuột.
Ngoài Strychnine, mã tiền còn có nhiều chất khác ảnh hưởng đến não và gây co thắt cơ. Do vậy, triệu chứng ngộ độc mã tiền là co giật và động kinh. Người bệnh sử dụng mã tiền cần có chỉ định của bác sĩ. Đối với người lớn, nếu uống một lần 5-20mg Strychnine sẽ bị trúng độc, 30mg sẽ gây tử vong.
“Đa số các ca trúng phải loại độc này đều không cứu được. Nhiều con chết ngay lập tức sau 2 phút hoặc vào trạng thái hôn mê. Việc cứu chữa rất phức tạp, phải sử dụng nhiều biện pháp cấp cứu thần kinh và thuốc giải độc, thuốc chống động kinh liên tục. Đặc biệt, phải xét nghiệm nhiều và kiểm soát các chỉ tiêu sinh tồn”, bác sĩ Nghĩa thông tin.
Hạt cây mã tiền dễ dàng mua được với giá rẻ. Trên các trang mua hàng điện tử, giá 1kg hạt mã tiền khô dao động từ 170.000 - 220.000 đồng. Đây là một loại thuốc đông y chữa trị các bệnh xương khớp, bại liệt, động kinh. Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng chất độc có sẵn trong cây này để nhắm vào các loại động vật.

Việc cứu chữa chó, mèo ăn phải chất độc cây mã tiền rất khó khăn và tỉ lệ cứu sống rất thấp

Ảnh chụp màn hình

“Những người trộm chó cũng sử dụng loại chất độc này. Họ tẩm thuốc vào cục xương. Chó vừa ngoạm phải là bất tỉnh. Sau đó, họ quay lại lượm xác chó để bán cho các nơi giết mổ. Những người này muốn chó chết hay ngất thật nhanh mà chất độc không vào dạ dày nhiều thì sẽ bọc cục bả chó kín bằng ni lông. Tuy nhiên, chất độc vẫn ngấm trong thịt chó và người tiêu thụ vẫn có thể nhiễm độc”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
"AI cũng có nguy cơ dính độc từ những thứ này vì chúng có mặt ở nhiều nơi. Hành vi ác tâm như vậy ảnh hưởng đến cộng đồng và uy tín của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Nhiều người Việt và người nước ngoài là người cô đơn trong thành phố. Họ coi thú cưng là bạn tâm giao, mất nó như mất cả tâm hồn”, bác sĩ bức xúc về những vụ việc thú cưng nghi trúng độc chết.

Chó vẫn trúng độc khi có rọ mõm

Anh Ali Nakhila (34 tuổi, người Iraq) là người huấn luyện chó chuyên nghiệp và sở hữu 3 chú chó cưng. Theo anh Ali, việc rọ mõm không giúp cho tránh khỏi trúng bả hay các chất độc trên đường. “Rọ mõm được phát minh để ngăn chó cắn chứ không phải ngăn chó ăn hay liếm. Chó thở và kiểm soát nhiệt độ cơ thể từ miệng. Khi chúng ta đeo rọ mõm quá nhỏ và kín ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, chó sẽ khó thở và khó kiểm soát thân nhiệt”, anh Ali chia sẻ.
Anh cho biết thêm, với những giống chó to, nhiều năng lượng cần đi dạo tối thiểu 2 lần/ngày, mỗi lần 45 phút. Chủ chó cần cân nhắc loại rọ mõm cho phép chó uống nước và thở như rọ mõm mềm hoặc ni lông dạng lưới. Chó khi đeo những rọ mõm này vẫn có thể ăn được thức ăn.
Bác sĩ Nghĩa chia sẻ thêm: “Rọ mõm chỉ làm giảm nguy cơ và mang lại cảm giác an toàn cho người chủ và người xung quanh. Đặc tính sinh học của loài vật này là mũi sát đất, ngửi, đánh hơi và liếm. Vì vậy, việc rọ mõm không hoàn toàn bảo vệ thú cưng trước chất độc”.
Tuy nhiên, việc đeo rọ mõm và xích ở nơi công cộng là bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các trường hợp không tuân thủ sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP.
Việc xuất hiện nhiều các trường hợp chó bị trúng độc ở TP.HCM, nhất là khu vực Thảo Điền buộc những người huấn luyện cho như anh Ali phải có biện pháp phòng tránh. Anh đã huấn luyện nhiều con chó và giúp nhiều người nuôi chó dạy thú cưng bỏ lại những gì chúng nhặt trên đường. “Tôi sử dụng các phương pháp tích cực và vui vẻ để thú cưng hiểu việc bỏ thức ăn không rõ nguồn gốc lại là cách đúng đắn”, anh chia sẻ.
Thú cưng chết ở Thảo Điền: Chất độc dễ tìm và giá rẻ

Anh Ali và đàn chó của mình. Anh là người huấn luyện và cứu trợ chó bị bỏ rơi tại khu vực Thảo Điển

Ảnh: NVCC

Những con chó được huấn luyện rất dễ kiểm soát vì có những mệnh lệnh được thiết lập giữa nó và chủ. Khi chủ yêu cầu chúng nhả đồ vật ra khỏi miệng, chúng sẽ làm theo. Mối quan hệ giữa chủ và chó được cải thiện, trở nên gắn kết hơn thông qua quá trình huấn luyện. Thêm vào đó, thú cưng được huấn luyện sẽ thoải mái và cư xử tốt hơn so với vật nuôi thông thường. Nó hòa đồng, thân thiện với thú cưng khác cũng như con người.
“Sự huấn luyện tích cực giúp thú cưng bớt căng thẳng, lo lắng và giúp người nuôi chó có mối quan hệ tốt, bền chặt với vật nuôi”, anh Ali tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.