Thư gửi con trai ở Úc giữa dịch Covid-19: Yêu con theo cách của mẹ

Quý Hiên
Quý Hiên
24/03/2020 09:12 GMT+7

Trái ngược với nhiều phụ huynh thay vì tìm cách đưa con sớm về nước tránh dịch Covid-19 , một bà mẹ ở Hà Nội đồng ý với quyết định ở lại Úc của con trai, với lời nhắn: “Mẹ yêu con. Theo cách của mẹ”.

Lá thư mà chị Phạm Thái Lê, giáo viên Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) gửi con trai - bạn Trần Cao Phong Tùng (20 tuổi, sinh viên năm 2 Trường Quản lý khách sạn quốc tế BlueMountains - BMIHMS tại Sydney, Úc) trên trang Facebook cá nhân được nhiều người ủng hộ.
Trong thư chị Lê gửi con trai tình cảm của mình và cũng là trải lòng với các phụ huynh, những suy nghĩ của một bà mẹ đã để cho con tự đối mặt với nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bên Úc. Hiện Úc quyết định đóng cửa mọi hoạt động không quan trọng từ 23.3 khi nước này có 1.300 người nhiễm, 7 người tử vong vì Covid-19.

Trên 16 tuổi không tự lo thì làm gì cho đời?

Mở đầu lá thư, chị Lê nói về việc các phụ huynh sốt sắng chuyện mua vé cho con mình về nước, mua khẩu trang, nước sát khuẩn gửi sang, thì chợt giật mình tự hỏi: “Có phải mẹ là người vô trách nhiệm với con?”.
Nhưng sau khi đọc những dòng tin tức về việc các gia đình ùn ùn tiếp tế người thân ở các khu cách ly, trong danh sách liệt kê đồ tiếp tế có cả gối ôm, đệm mỏng... thì chị chợt hiểu cách mình yêu con khác những người bố mẹ ấy.

Việt Nam công bố bệnh nhân thứ 123 nhiễm virus corona một cô gái ở Bến Tre

Trong thư, chị giãi bày, nếu con về nước, chị cũng sẽ không xếp hàng để tiếp tế cho con. Bởi, trong các khu cách ly, những đồ dùng cơ bản đã được trang bị, con cứ thế mà sống như bao người ở đó, không nên khác biệt. Thậm chí, con cần phải nhận thức được để trân trọng những gì con được hưởng ở khu cách ly, bởi đó là tiền của những người nông dân đóng thuế, trong đó có cả bà nội hơn 70 tuổi của con ở quê nhà.
Tuy nhiên, đấy là giả định. Bởi con chị Lê không về nước. Chị Lê đồng ý và tin tưởng lựa chọn đó. Người mẹ giải thích, nghe giọng rắn rỏi và thái độ bình thản của con mình, chị thấy vững lòng.
Chị chia sẻ với con: “Mẹ nghĩ, ngoài 16 tuổi mà không tự chăm lo được sức khỏe cho chính bản thân mình thì làm được gì cho đời. Ai cũng tự chăm sóc tốt bản thân mình thì chẳng ai phải lo cho ai cả, con nhỉ. Hà Nội số ca nhiễm “nhập khẩu” đang tăng, bố mẹ còn phải tự lo bảo vệ mình, không lo được cho con đâu. Ở bên ấy, con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Kết thúc bức thư, người mẹ từ Việt Nam nhắn nhủ: “Mẹ yêu con. Luôn luôn yêu. Mãi mãi yêu. Bất luận điều gì. Theo cách của mẹ!”.
Thư gửi con trai ở Úc:  Yêu con theo cách của mẹ

Trần Cao Phong Tùng ở Trường BlueMountains

Ảnh: NVCC

Cổ vũ cách yêu thương giúp con mạnh mẽ hơn

Giải thích về bức thư, chị Lê cho biết không định “gây hấn” với những người yêu con khác với cách của mình mà thấy cần phải viết ra những lời rắn rỏi, để mong con “mạnh mẽ lên”. “Cái đáng sợ của tình yêu thương con kiểu bao bọc là làm cho đứa trẻ yếu đuối đi, thậm chí nhìn những người không được như mình bằng con mắt khác”, chị nói.
Những dòng tâm tình của chị Lê dành cho con trai nhận được rất nhiều “like”, bình luận và lượt chia sẻ. Hầu hết các bình luận đều đồng quan điểm với chị. Nhiều người còn cho biết, họ cũng có con hiện ở nước ngoài và đều không về.

Thông tin bệnh nhân thứ 122 nhiễm Covid-19: Nữ nhân viên quán rượu trở về từ Thái Lan

Một người viết: “Đồng tình quan điểm của cô giáo vô cùng. Rất dũng cảm và tình cảm”. Một người bạn của chị cũng “khoe”: “Con chị ở Nhật cũng tự lo. Con còn gửi cho bố mẹ 2 cái nhiệt kế, nhắc nhở bố mẹ phải cẩn thận đấy!”. Tài khoản Nhật Trần thì bình luận: “Cô giáo quá chuẩn! 20 tuổi không tự chăm sóc được cho mình thì đáng lo lắm. Hãy để cho bọn trẻ là con diều, cha mẹ cầm dây để cảm nhận con diều đó vẫn đang no gió là được”.
TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia độc lập về giáo dục cho biết, bà ủng hộ quan điểm của cô giáo Lê. “Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ lấy tấm vải của người mẹ để trùm bọc lấy con, mà luôn dạy con về nguy cơ, rủi ro, mong chờ con phải đủ kiến thức và dùng mọi giác quan của mình để đánh giá tình hình, rồi tự đưa ra quyết định. Trong quá trình ấy, tôi sẽ đồng hành với con. Nói chung, cha mẹ phải biết thả tay từ từ để con trưởng thành”, TS Quyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.