Thu hút đầu tư: Doanh nghiệp đồng thuận cắt 'đất vàng'

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
22/09/2019 13:39 GMT+7

Sau nhiều ồn ào mở lối xuống biển cho cộng đồng , nhiều doanh nghiệp (DN) đã đồng thuận với chủ trương chung của TP.Đà Nẵng.

Chủ đầu tư “giục” TP

Tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng giữa tháng 7, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chia sẻ câu chuyện ngay trước kỳ họp, chủ đầu tư The Nam Khang Resort Residences (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) hối thúc TP nhanh chóng phê duyệt điều chỉnh mới để DN cắt một phần đất mở lối xuống biển.
Trước đó, lối xuống biển tại dự án Future Property Invest (phía nam giáp The Nam Khang Resort Residences) chỉ rộng 4 m, sau điều chỉnh tăng lên 20,5 m, tổng diện tích điều chỉnh tăng từ 2.028 m2 lên gấp 5 lần, theo hướng thu hồi một phần dự án có diện tích 8.431 m2 tại phía bắc dự án.
Chủ đầu tư giục ngược TP để mở lối xuống biển là chuyện “ngược đời”, khi gần 2 năm qua vấn đề thu hồi dự án treo, mở lối xuống biển, tăng không gian công cộng, tiện ích cho cộng đồng không phải dễ dàng. Từ chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng đến hành động của UBND TP, ban đầu gặp rất nhiều trở ngại, nhưng qua gần 2 năm, cuộc vận động bắt đầu có sự lan tỏa.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, ban đầu nhà đầu tư không đồng tình, phản ứng, TP phải thuyết phục vận động, đưa ra cơ chế rõ ràng quyền lợi cho nhà đầu tư; nếu có thu hồi thì bồi thường thỏa đáng. “Bên cạnh The Nam Khang Resort Residences nhận được sự đồng thuận rất cao từ DN, còn có rất nhiều nhà đầu tư ủng hộ điều chỉnh như Khu du lịch sinh thái Nam Ô cũng được nhà đầu tư hợp tác rất tốt”, ông Thơ nói thêm.

Tôn trọng vấn đề lịch sử

Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc với nhà đầu tư, TP đang tìm mọi cách vận dụng để đảm bảo khơi thông dòng vốn công trình, nhưng tháo gỡ được rất ít.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP, dẫn chứng chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Nam Ô Lancaster Resort) đã nộp tiền sử dụng đất nhưng vướng Luật đất đai 2013. TP thống nhất đề xuất đây là tiền tạm nộp, đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép coi như là chủ trương giao đất của TP và hợp đồng giữa công ty khai thác và chủ đầu tư, cũng “tương đương” quyết định giao đất.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP, cho rằng phải tháo gỡ được các vướng mắc cho chủ đầu tư thì mới phát triển được dư địa, không chỉ Nam Ô, mà Làng Vân của Vinpearl (Vin Group) cũng cần phải giải quyết tương tự bởi đơn vị đã thiện chí nộp 200 tỉ đồng. “Nếu các dự án này, cùng với Khu du lịch Xuân Thiều mở rộng của Tập đoàn Mikazuki đang thi công, phát triển mở rộng lên sông Cu Đê và cảnh Liên Chiểu, thì sẽ thay đổi diện mạo toàn diện khu vực tây bắc”, ông Trung nói.
Chủ tịch HĐND cũng cho rằng quá trình xử lý còn khó khăn, TP cũng phải tập trung mạnh hơn. “Với các dự án cụ thể nêu trên thì sớm làm việc với chủ đầu tư trong quý 3, cơ chế tài chính phụ thuộc vào chủ trương xử lý kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ và chúng ta chia sẻ trên tinh thần tôn trọng vấn đề lịch sử. TP.Đà Nẵng chia sẻ với DN và mong DN đồng hành với vướng mắc hiện nay”, ông Trung nói.
Trong số các DN khởi kiện UBND TP hiện nay, có chủ đầu tư dự án Hòn ngọc Á Châu (Q.Ngũ Hành Sơn) kiện về việc thu hồi một phần dự án để mở lối xuống biển. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung nói: “Việc DN kiện không ai muốn, nhưng những quy định pháp luật không nhất quán thì DN kiện là quyền của DN. UBND TP chuẩn bị hồ sơ pháp lý, tinh thần là TP làm việc tiếp với DN để tháo gỡ”.
Hiện khu vực biển phía đông TP.Đà Nẵng có 28/37 dự án đã hoạt động. Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết các dự án chậm triển khai xử lý theo tinh thần thu hồi hồi dự để tạo không gian công cộng cho người dân, nhưng không phải vấn đề “một sớm một chiều” mà gắn liền nhiều quan hệ pháp lý, tài chính, đồng thuận DN, đảm bảo hài hòa.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.