Thủ khoa từng chọn sai ngành phải dừng học bổng du học, về nước thi lại ĐH

Hà Ánh
Hà Ánh
27/11/2022 18:53 GMT+7

Nguyễn Thảo Uyên trở thành thủ khoa khối ngành kinh tế Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đợt tốt nghiệp ĐH năm nay. Bên cạnh những điểm số xuất sắc, tân thủ khoa còn chia sẻ câu chuyện đặc biệt về những quyết định sai lầm trong lựa chọn ngành học của bản thân.

Thủ khoa Trường ĐH Quốc tế từng đạt 8.0 IELTS...

Trong lễ tốt nghiệp Trường ĐH Quốc tế sáng 27.11, Nguyễn Thảo Uyên (23 tuổi) được vinh danh thủ khoa khối ngành kinh tế của toàn trường. Tân cử nhân tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh với số điểm 90.7/100. Trước khi trở thành thủ khoa đầu ra, Nguyễn Thảo Uyên được biết đến là một học sinh với rất nhiều thành tích ở môn tiếng Anh.

Bước vào lớp 4, Nguyễn Thảo Uyên cùng gia đình chuyển từ H. Bình Sơn tới TP.Quảng Ngãi để sinh sống. “Ở thời điểm này em luôn cảm thấy tự ti khi bắt đầu học tiếng Anh muộn hơn khi các bạn đã bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3. Nhưng cũng vì xuất phát muộn nên em luôn có ý thức chú ý cho môn học này”, Uyên nhớ lại.

Nguyễn Thảo Uyên, thủ khoa đầu ra khối ngành kinh tế Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

b.n

Nhưng đến khi vào lớp 6 là cột mốc đánh dấu sự yêu thích và quyết tâm theo đuổi môn học này khi Uyên đạt điểm cao nhất kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh toàn trường. “Rồi cứ thế từ lớp 6 đến hết lớp 9, em luôn giành giải nhất hoặc giải nhì các kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh các cấp từ trường, thành phố, tỉnh. Lớp 9, em giành được huy chương vàng cuộc thi tiếng Anh trên internet cấp quốc gia”, tân thủ khoa đầu ra chia sẻ.

Vào lớp 10, Thảo Uyên trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) và là thủ khoa đầu vào khối chuyên Anh. Nhiều thành tích nổi bật ở môn học này tiếp tục được cô học sinh trường chuyên gặt hái. Đó là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh lớp 11 và 12; giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 12; huy chương đồng Olympic 30/4 môn tiếng Anh; huy chương bạc tài năng tiếng Anh cấp quốc gia năm lớp 11… Và đến thời điểm lớp 12, học sinh trường chuyên duy nhất tỉnh Quảng Ngãi này đã đạt 8.0 IELTS.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Nguyễn Thảo Uyên cho biết đã đi làm một năm trước khi nhận bằng tốt nghiệp

HÀ ÁNH

… và câu chuyện "3 lần trở thành tân sinh viên"

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thảo Uyên đã trúng tuyển và trở thành sinh viên năm nhất ngành kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM). Nhưng con đường học ĐH của Uyên đã không diễn ra bình thường như lúc bắt đầu.

Thảo Uyên kể lại: “Hồi em học cấp 3, bạn bè em những người học điểm cao đều có mong muốn thi vào Trường ĐH Ngoại thương và em cũng không phải ngoại lệ. Mọi thứ đáng lẽ cứ suôn sẻ với 4 năm học ĐH”.

Nhưng, Uyên nói tiếp: “Thời điểm đó em mới bước vào ngưỡng cửa trưởng thành và có chút không ổn định tâm lý, không tự tin về bản thân, không hiểu được mình đang muốn gì và con đường sắp tới của mình thế nào. Dao động giữa nhiều luồng ý kiến khác nhau dù mọi người đều có những lời khuyên tốt cho mình nhưng em đã không có niềm tin vào bản thân mình. Em quyết định dừng việc học tại Trường ĐH Ngoại thương và nộp hồ sơ xin học bổng du học của tỉnh Quảng Ngãi, trở thành sinh viên ngành luật kinh tế tại ĐH Monash (Úc)”.

“Đó là học bổng của tỉnh cử sinh viên đi học về phụng sự cho tỉnh nhà. Thực sự luật không phải ngành em muốn học nhưng đó là cơ hội lớn khi được học trường danh tiếng, có điều kiện phát triển bản thân. Em đã quyết định đi theo mà không suy nghĩ nhiều, không tự soi chiếu bản thân xem thực sự mong muốn con đường đó chưa”, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết chia sẻ.

Vẫn mạch câu chuyện nhiều cảm xúc đó, Uyên tiếp tục: “Em đã đi học và mọi thứ nhìn vào bề ngoài rất suôn sẻ khi học trường tốt, bạn bè xung quanh hỗ trợ nhiều, môi trường sống văn minh… Có điều vấn đề là bên trong em cảm thấy không ổn khi đã thực hiện quyết định không chín chắn từ đầu. Đi học nghe thầy giảng bài rất hay nhưng em không cảm thấy yêu thích, rồi khi tìm hiểu thêm em nhận thấy việc trở thành luật sư không phải điều em mong muốn. Em đã trải qua thời gian rất khủng hoảng khi ở nước ngoài dù người ngoài nhìn vào đều thấy rất tốt rất ổn…”.

Rồi chỉ sau hơn 2 tháng ở Úc, Uyên đã quyết định về lại Việt Nam để làm lại từ đầu. “Lúc đó em đứng trước lựa chọn, hoặc tiếp tục theo đuổi ngành luật hoặc về thi lại ĐH. Quyết định này ở thời điểm đó cũng rất khó khăn khi em đã thôi học ở Trường ĐH Ngoại thương và trở thành thí sinh tự do. Từ chỗ đang có tất cả lại chẳng có gì, từng có nhiều thành tích và từng làm lớp trưởng nhưng lại là đứa duy nhất trong lớp phải thi lại ĐH”, cô gái trẻ bộc bạch.

Nhưng vượt qua sự mặc cảm, dù chỉ còn 2 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2018 bắt đầu, chủ nhân của nhiều giải thưởng đã vượt qua không chút khó khăn. Uyên thi lại ĐH và một lần nữa trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng cuối cùng cô quyết định chọn học ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế với suy nghĩ cần lựa chọn khác đi và có đi con đường mới. Uyên nói: “Mặc dù siêu mặc cảm, đầu óc lại trống rỗng và phải thi thêm kiến thức lớp 11 nhưng thời điểm đó em lại cảm thấy bản thân vững vàng, bản lĩnh hơn rất nhiều”.

Khoảnh khắc Nguyễn Thảo Uyên nhận bằng tốt nghiệp

B.N.

"Lựa chọn đúng đắn nhất phải là lựa chọn phù hợp"

Bằng học bổng bán phần, Thảo Uyên đã hoàn thành chương trình ĐH với nhiều thành tích nổi bật trước khi trở thành thủ khoa đầu ra. Theo kế hoạch, Uyên bắt đầu việc học ĐH với ngành quản trị kinh doanh nhưng định hướng chuyên sâu lĩnh vực marketing. Đến thời điểm nhận bằng tốt nghiệp, Uyên đã đi làm được một năm và đang theo đuổi chương trình làm việc được thiết kế trở thành quản lý sau 2 năm. “Trước mắt em sẽ tiếp tục đi làm vài năm để biết mình thật sự cần học thêm điều gì sau đó”, tân cử nhân cho hay.

Từ câu chuyện lựa chọn ngành học và trường học của bản thân, thủ khoa Trường ĐH Quốc tế nhắn nhủ: “Lựa chọn đúng đắn nhất phải là lựa chọn phù hợp với bản thân mình. Thời nay, khó khăn lớn nhất chính là khó khăn để đưa ra quyết định mặc dù có lợi thế về thông tin. Nhưng chính sự hỗn loạn về thông tin đôi khi lại khiến mình không biết bản thân muốn gì. Các bạn vẫn hãy nghe lời khuyên, cứ tìm hiểu, nghiên cứu nhưng sau đó hãy dành cho mình một khoảng thời gian đủ nhiều để tự gạn lọc lại xem điều gì thực sự quan trọng với mình”.

Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Quốc tế còn chia sẻ một câu nói đã giúp cô ở thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời rằng: “Dù khó khăn cỡ nào vẫn luôn có gì đó để bạn làm được và thành công với nó. Từ đó em đã cho bản thân tin mình một lần nữa để dám làm lại, dám tiến lên phía trước, dám tiếp tục”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.