Quyết tâm học đại học để... khởi nghiệp lại
Sau thời gian đầu nuôi lươn thất bại, anh Tân quyết tâm đi học đại học để tiếp thu kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi để khởi nghiệp lại.
Nuôi lươn đồng thất bại, đi học đại học về nuôi theo công nghệ mới, lãi nửa tỉ/năm |
Anh Tân kể, năm 2010, anh khởi nghiệp từ mô hình nuôi lươn đồng nhưng thất bại liên tục. Nguyên nhân là nguồn giống lươn đồng chỉ có thể mua theo mùa vụ từ người dân đánh bắt nên lươn bị trầy xướt, sức khỏe yếu. Hơn nữa, lươn đồng có tính hoang dã cao, đem về thuần hóa cũng khó.
Nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước giúp anh Tân thu lãi cao |
DUY TÂN |
Quyết tâm chinh phục con lươn, trong năm 2010, anh mạnh dạn ôn luyện và thi đậu ngành thủy sản Trường ĐH Cần Thơ. Từ đây, anh tiếp thu kiến thức của thầy cô để ứng dụng vào mô hình nuôi lươn. Nhờ kiên trì, chịu khó, anh đã thành công với mô hình nuôi lươn Vietgap ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước.
Anh Tân cho biết, nuôi lươn theo mô hình này, bể nuôi làm bằng xi măng kết nối với hệ thống tuần hoàn nước gồm một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước. Bên trong, đặt giá thể là dây ni lông màu đen cột thành chùm cho lươn ươm trú ẩn; bể nuôi lươn thương phẩm đặt giá thể là lưới che. Mô hình giúp giảm chi phí nước và lươn mau lớn hơn so với cách nuôi thông thường.
Bể xi măng nuôi theo hệ thống tuần hoàn nước với mật độ 380 con/m2 |
DUY TÂN |
“Với hệ thống này, nước có thể được tái sử dụng sau quá trình xử lý vi sinh vật, đỡ tốn nước và công thay nước hằng ngày. Nhờ đó, môi trường nước ít bị xáo trộn, lươn sống trong môi trường ổn định sẽ phát triển nhanh hơn, ít bệnh tật”, anh Tân chia sẻ.
Thành công bất ngờ
Hiện, anh mở rộng trại nuôi trên diện tích 5.000 m2 đất nhà, với 78 bể nuôi cho sinh sản, mỗi bể rộng 24 m2. Tổng đàn lươn bố mẹ hơn 2,5 tấn. Khu nuôi được chia làm 2 khu, gồm khu lươn thịt, sinh sản và khu lươn giống. Bể nuôi được làm theo 2 dạng, bể xi măng ứng dụng hệ thống nuôi tuần hoàn nước, bể composite thay nước hằng ngày.
Lươn thịt được anh Tân ký kết hợp đồng cung ứng khoảng 4,7 tấn mỗi năm |
DUY TÂN |
“Hệ thống bể composite nuôi lươn đặt trực tiếp trên mặt nước, mỗi ngày thay nước từ 2-3 lần, thao tác rất nhất và dễ dàng. Lượng nước cặn thải ra ao được tận dụng nuôi các loại cá trê, tai tượng… Nhờ đó tăng thêm thu nhập”, anh Tân cho biết.
Mật độ lươn nuôi trong bể composite là 450 con/m2; bể xi măng nuôi theo hệ thống tuần hoàn nước với mật độ 380 con/m2. Thức ăn cho lươn chủ yếu là thức ăn công nghiệp độ đạm 43%. Sau mỗi lần cho ăn, cần vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường nước. Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ, cần bổ sung men tiêu hóa và vitamin để lươn tăng sức đề kháng, chống bệnh tật và chịu được sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Đối với lươn sinh sản, từ 6-7 ngày trứng nở. Sau khi nở 7 ngày cho ăn trùng chỉ. Đến khoảng 1 tháng có thể xuất bán lươn giống. Lươn nuôi khoảng 10-12 tháng có thể xuất bán thương phẩm.
Lươn phát triển tốt, khỏe mạnh trong bể nuôi theo công nghệ tuần hoàn nước |
DUY TÂN |
Hiện mỗi năm anh Tân cung ứng trên 300.000 con lươn giống với giá 3.000-4.000 đồng/con (tùy kích cỡ). Riêng lươn thịt anh ký kết hợp đồng cung ứng khoảng 4,7 tấn với giá từ 112.000-115.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, anh còn tận tình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng để thanh niên địa phương khởi nghiệp, đồng thời thành lập 2 tổ hợp tác nuôi cá kiểng và nuôi lươn với gần 20 thành viên để bao tiêu sản phẩm, xuất bán số lượng lớn ra thị trường.
Bình luận (0)