Thử máy X-quang trên đùi, nhiều kỹ thuật viên nhập viện

Duy Tính
Duy Tính
10/11/2020 00:09 GMT+7

Tuần qua Bệnh viện quốc tế Minh Anh (TP.HCM) tiếp nhận liên tiếp 4 ca viêm loét đùi. Kể lại với bác sĩ, các bệnh nhân cho biết đang hành nghề sửa chữa máy X-quang cho một công ty.

Theo thông tin bệnh nhân (BN) cung cấp, trung bình mỗi tháng, một BN bắn khoảng 2.000 - 3.000 lần tia X vào đùi để thử máy và thử liên tục trong nhiều tháng, thì xảy ra tình trạng viêm loét.
Bác sĩ Trương Văn Tài, Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện (BV) quốc tế Minh Anh, cho biết 4 BN đến trong tình trạng đau do viêm loét đùi mạn tính không lành, diện tích vết thương 4 x 5 cm và sâu gần 2 cm.
Trước đó, các BN đã đi một số BV chữa trị, được cho uống thuốc và chăm sóc vết thương nhưng không khỏi nên rất lo lắng. “Chúng tôi tiến hành cắt lọc vết thương, trong đó có 2 ca nặng hơn phải thực hiện vi phẫu xoay vạt da che vào vết thương. Khoảng sau 2 tuần vết thương sẽ lành.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp BN bị vết thương do bắn tia X với cường độ nhiều”, bác sĩ Trương Văn Tài nói. Cũng theo bác sĩ Tài, vết thương dạng này tế bào sẽ không tăng sinh được do tia X phá hủy (giống như xạ trị). Có 1 ca cắt lọc xoay vạt da chừa viền thì vết thương lành không tốt bằng việc cắt lọc triệt để.

“Chưa thấy ai lấy thân mình ra test máy X-quang”

Nói về thiết bị y tế có phát tia X hư BV xử lý ra sao, kỹ sư Nguyễn Tấn Châu, Trưởng đơn vị an toàn bức xạ, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thông thường khi máy móc thiết bị có bức xạ hư thì phòng trang thiết bị của các BV sẽ phối hợp với công ty sửa chữa. Trường hợp đầu bóng phát tia hư thì thay mới và phải mời công ty kiểm định bên ngoài vào kiểm tra chất lượng hình ảnh, sau đó xin lại giấy phép sử dụng thiết bị bức xạ của Sở KH-CN. Trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thì nội bộ BV thông qua và không cần phải kiểm định ngoại kiểm.
Theo kỹ sư Nguyễn Tấn Châu, vấn đề tuân thủ an toàn bức xạ bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, cho BN phải được các BV thực hiện nghiêm ngặt. Y văn thế giới cũng đã ghi nhận một số BN bị tổn thương sau khi tiếp xúc với tia X cường độ cao. Kỹ sư Châu cho biết thêm, thông thường các kỹ thuật viên sửa máy đều được nhà sản xuất tập huấn và có chứng chỉ về an toàn bức xạ thì mới được phép làm việc với thiết bị bức xạ. Nhưng “chưa thấy ai lấy thân mình ra test máy X-quang”, kỹ sư Châu cho biết.
“Một kỹ thuật viên muốn test máy thì chỉ cần chụp máy laptop và thấy được bản mạch điện tử bên trong là tốt rồi!”, kỹ sư Châu nói.

Tia X cường độ cao khá nguy hiểm

Tia X được mô tả đầu tiên bởi nhà khoa học người Đức Wilhelm Röntgen, nên còn có tên là bức xạ Röntgen, là một dạng bức xạ điện từ được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có y khoa để chẩn đoán, điều trị. Trong điều kiện được giám sát chặt chẽ, ứng dụng y khoa của tia X được xem là an toàn, với liều lượng tia nằm trong khoảng cho phép. Trong xạ trị với liều lượng tia cao, các tác dụng phụ cần được theo dõi để phát hiện và điều chỉnh, trị liệu phù hợp.
Các trường hợp tiếp xúc với nguồn phóng xạ liều cao, trong thời gian dài có tác động trực tiếp lên sự phát triển và nhân đôi của tế bào, có thể gây ra các tác hại nặng nề, bao gồm: tăng nguy cơ ung thư, nôn mửa, chảy máu, rụng lông tóc, tổn thương da và mô mềm tại chỗ, loét mạn tính không lành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.