Nguồn thu ngân sách TP.HCM tăng từ khu vực tài chính, ngân hàng |
ngọc thắng |
Cục Thuế TP.HCM cho biết tình hình thu ngân sách trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng tương đồng với các cấp độ triển khai kiểm soát dịch của chính quyền TP.HCM, chững và giảm nhẹ trong tháng 6, tháng 7, suy giảm nhanh trong tháng 8 và tháng 9 thì giảm sâu. Một số loại hình sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như hộ, cá nhân kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống; doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt là doanh nghiệp các ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…
Thế nhưng số nộp ngân sách vẫn có sự ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ của một số ngành nghề như tài chính ngân hàng, dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí, kinh doanh bất động sản, thương nghiệp về hàng tiêu dùng, sản xuất lương thực thực phẩm, vận tải kho bãi, thương mại điện tử... Đặc biệt là số nộp của các doanh nghiệp trọng điểm đã góp phần cân bằng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng sau giai đoạn giãn cách. Nguồn thu còn được bù đắp bởi một số khoản như thu từ chênh lệch giá khí (2.500 tỉ đồng), một số khoản thu khác ngân sách (gần 2.500 tỉ đồng), thu đột biến từ khu vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản...
Sau khi TP.HCM thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 1.10, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã cải thiện đáng kể như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 27% so với tháng trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách 10 tháng tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước…
Trong những tháng cuối năm, Cục Thuế TP.HCM ngoài việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh Covid-19 vừa triển khai đồng bộ các biện pháp để quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, khai thác nguồn thu từ đất để bù đắp nguồn thu thiếu hụt do ảnh hưởng các hoạt động kinh tế. Đồng thời triển khai các giải pháp như phối hợp với các cơ quan sở ngành về cung cấp thông tin người nộp thuế, rà soát các vướng mắc, báo cáo UBND TP.HCM để có biện pháp tháo gỡ nhằm huy động kịp thời các nguồn thu từ đất còn tồn đọng, các khoản thu từ bán đấu giá và đôn đốc các khoản thu qua kết luận của Thanh tra Chính phủ để bù đắp phần thu dự kiến thiếu hụt so với dự toán được giao. Bên cạnh đó, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với các khoản nợ thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không trung thực các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử: sàn điện tử, doanh nghiệp tại nước ngoài có hoạt động kinh tế số trên địa bàn...
Bình luận (0)