Thu nhập bình quân giảm, lượng tiêu thụ rượu bia của người Việt vẫn tăng

Thu Hằng
Thu Hằng
06/07/2021 17:47 GMT+7

Lượng tiêu thụ rượu bia tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 1% so với năm 2019.

Đây là số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6.7, trong Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (viết tắt là KSMS 2020).
Theo ông Nguyễn Thế Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê), bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân (TNBQ) đầu người/tháng chung cả nước tăng 8,2%. Tuy nhiên, năm 2020, TNBQ đầu người/tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019.
Trong đó, khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng). Nhóm hộ giàu nhất có TNBQ 1 người/tháng đạt 9,1 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng. Vùng có TNBQ đầu người cao nhất là vùng Đông Nam bộ (6 triệu đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có TNBQ đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng/người/tháng).
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, trong khi lượng tiêu dùng lương thực, thực phẩm của các gia đình có xu hướng giảm dần, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân 1 người/tháng giảm từ 9,7 kg năm 2010 xuống còn 8,1 kg năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg năm 2020, lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020.
Đáng chú ý, lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,2 so với 1,0 lít/người/tháng).
Ông Nguyễn Thế Quân, cho hay: “Đây chỉ là mức tính tiêu thụ rượu bia tại nhà, chưa tính phạm vi tiêu thụ ngoài gia đình. Dù chưa có minh chứng lượng tiêu thụ rượu bia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đây là số liệu chúng tôi đưa ra để thấy có một xu hướng như thế”.
Mặc dù tỷ trọng chi cho ăn uống tăng lên so với các khoản chi khác như may mặc, đi lại, đồ dùng thiết bị gia đình, văn hoá giải trí,...song tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền trong 2020 chỉ 34,4% thấp nhất từ 2008 tới nay. Theo Tổng cục Thống kê, bất thường trong cơ cấu chi tiêu là do tác động của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng có sự cách biệt, Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.