Mô hình nuôi rắn hổ mang bạnh đang từng bước giúp người dân xã Bạch Lưu, H.Sông Lô, Vĩnh Phúc thoát nghèo, đem lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với những hộ làm nông.
Bạch Lưu là một trong những xã nằm ở cuối H.Sông Lô, địa bàn chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, đất đai không mấy thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Trước đây, người dân làm ăn kinh tế rất khó khăn nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, diện mạo kinh tế xã đã được cải thiện rõ rệt nhờ mô hình nuôi rắn hổ mang bạnh.
Ông Hoàng Văn Vượng, Phó chủ tịch xã Bạch Lưu cho biết, ban đầu, chỉ có vài hộ dân nuôi rắn hổ mang bạnh với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Về sau, chính quyền xã nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, hơn hẳn so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, nên đã xin Chi cục Kiểm lâm huyện cấp phép nuôi rắn cho bà con. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng trong toàn xã.
Theo con số thống kê của Chi cục Kiểm lâm H.Sông Lô, hiện toàn xã đã có 132 hộ dân được cấp phép nuôi rắn, quy mô ngày càng mở rộng, với mỗi hộ nuôi trung bình từ 200 - 300 con, lớn nhất là trên 400 con. Rắn nuôi khoảng 2 - 3 kg thì xuất bán, với trọng lượng lên tới 3, 4 kg có thể bán được vài triệu đồng/con. Cũng theo ông Vượng, “năm 2011, cả xã đã thu về trên 20 tỉ đồng từ mô hình nuôi rắn. Đây quả là một con số không nhỏ đối với một xã nghèo vùng núi chúng tôi”.
Ông Hà Văn Chữ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã cho biết, một trong những hộ gia đình nuôi rắn trong xã này cho biết, “mô hình nuôi rắn trong 10 năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Gia đình tôi hiện tại kinh tế đã ổn định, thu nhập từ rắn không những đủ để chang trải cuộc sống mà còn có thể gửi tiết kiệm”. Tìm hiểu được biết, gia đình ông Chữ thường nuôi rắn đẻ rồi bán trứng. Mỗi quả trứng giá từ 100 - 150 nghìn đồng. Tính trung bình mỗi lứa trứng sẽ thu được khoảng 70 triệu đồng.
Theo Nguyễn Văn Sơn, một chủ hộ nuôi rắn tiêu biểu trong xã, hiện nhà anh đang nuôi trên 400 con rắn, thu về mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng lợi nhuận.
“Nếu nuôi rắn để bán thương phẩm, cứ 1 kg rắn thương phẩm có giá 980 nghìn đồng. Thường chúng tôi nuôi khoảng 2 - 3 kg sẽ xuất bán, cũng có khi lên đến 4 kg mới bán. Giá mỗi con rắn tương đương 4 kg là gần 4 triệu đồng”, anh Sơn cho biết.
Ông Hoàng Văn Vượng, Phó chủ tịch xã Bạch Lưu thông tin: hổ mang bạnh là loài có nọc độc, trong quá trình nuôi, không ít người đã bị rắn cắn. Tuy nhiên, trong xã chưa có trường hợp nào bị tử vong do rắn cắn. “Để phòng ngừa rủi ro, các hộ dân nuôi rắn đều đeo bao tay cao su trong quá trình chăm sóc rắn, gia đình nào cũng tích trữ sẵn loại thuốc giải độc đề phòng mỗi khi bị rắn cắn”, ông Vượng nói thêm.
Rắn đem lại thu nhập cao cho các hộ dân, song theo ông Hà Văn Chữ, thị trường tiêu thụ của các hộ nuôi rắn trong xã hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, vì đây là loại thương phẩm giá cao, thị trường tiêu thụ trong nước không thể đáp ứng. Chính vì vậy, nguy cơ rủi ro, giá cả bấp bênh là một vấn đề lớn mà người dân phải đối mặt.
Theo đánh giá của các hộ nuôi rắn trong xã, 2 năm gần đây, nuôi rắn lãi thấp hơn so với những năm vì giá thương phẩm bán ra hạ, giá thức ăn lại cao. Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ nuôi rắn bày tỏ mong muốn được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa về việc mở rộng quy mô, mô hình nuôi rắn hiện tại, đặc biệt là chính sách tiêu thụ ổn định, giúp người dân yên tâm gắn bó với nghề lâu dài.
Hồng Hà
>> Nuôi rắn độc
>> Nuôi rắn mối cho hiệu quả kinh tế cao
>> Làm giàu từ nuôi rắn
Bình luận (0)