Cụ thể, 15 công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ cho vay khoảng 138.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống. Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng của toàn bộ ngành ngân hàng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng.
Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng giảm do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu. Ngoài ra, thời gian qua bùng phát các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến ngân hàng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng cho vay phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ. Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn do khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kỳ vọng, thời gian tới, với việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. Đặc biệt, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.
Bình luận (0)