Thu nhập không đảm bảo, mọi yêu cầu với nhà giáo sẽ 'ở trên mây'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/05/2024 05:53 GMT+7

Chuyên gia sư phạm chỉ ra rằng, yêu cầu cao với nhà giáo từ khâu đào tạo đến sử dụng là cần thiết, nhưng đi liền đó phải là chế độ đãi ngộ phù hợp. Nếu không, mọi yêu cầu sẽ chỉ 'ở trên mây'.

Ngày 30.5, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm về đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo luật Nhà giáo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm.

MỤC TIÊU LỚN NHẤT LÀ "LƯƠNG GIÁO VIÊN ĐỦ SỐNG"

Phát biểu tại tọa đàm, GS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu các mô hình đào tạo, bồi dưỡng cũng như chế độ đãi ngộ giáo viên (GV) ở các nước và vùng lãnh thổ để cho thấy họ đều có yêu cầu rất cao trong khâu đào tạo bồi dưỡng GV cả về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Thu nhập không đảm bảo, mọi yêu cầu với nhà giáo sẽ 'ở trên mây'- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đóng góp về 2 vấn đề giáo viên hiện quan tâm là lương và chứng chỉ hành nghề tại hội thảo

ẢNH: NGUYỄN MẠNH

Ông dẫn chứng Đài Loan hay Singapore có những quy định rất nghiêm về đào tạo nhà giáo, sinh viên sư phạm đi bar cũng bị đánh giá về đạo đức, GV mới vào nghề phải được bồi dưỡng liên tục trong 3 năm…

Tuy nhiên, theo GS Minh, ở những quốc gia và vùng lãnh thổ này không có chuyện cử nhân sư phạm ra trường mà không có việc làm; mức đãi ngộ với nghề GV cũng rất hấp dẫn do họ có đầu tư trọng điểm cho giáo dục và nhà giáo. Ở nước ta cũng có đãi ngộ nhưng mức đãi ngộ ấy có thực sự hấp dẫn hay không thì phải nghe chính thầy cô nói.

"Khi mức thu nhập của nhà giáo không đạt được so với mặt bằng chung của xã hội thì yêu cầu của chúng ta với nhà giáo sẽ vẫn chỉ là những "yêu cầu ở trên mây"", GS Nguyễn Văn Minh nói.

Do vậy, GS Minh cho rằng để thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm thì phải có chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ví dụ, trước đây chúng ta có chính sách miễn học phí sư phạm, sau này khôi phục lại bằng chính sách hỗ trợ học phí với sinh viên sư phạm tại Nghị định 116. Năm đầu thực hiện nghị định này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thu hút được sinh viên giỏi, nhưng ngay sau đó chính sách đã gặp phải lúng túng khi nguồn kinh phí hỗ trợ học phí về quá chậm, tác động rất lớn đến trường…

PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đồng quan điểm khi đề nghị ban soạn thảo luật Nhà giáo cần cố gắng bảo vệ quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), chia sẻ việc đưa vào dự luật quy định "lương nhà giáo cao nhất", ban soạn thảo cũng thể hiện mong muốn sẽ luật hóa nghị quyết của Đảng về chủ trương này. Tất nhiên, mong muốn lớn nhất, cao nhất và mục tiêu cuối cùng là lương nhà giáo phải đảm bảo đủ sống.

Luật hóa chủ trương lương giáo viên được xếp cao nhất

Cũng theo ông Đức, trong quá trình xây dựng luật này, một số nội dung đang cố gắng vượt lên chính sách hiện hành để đảm bảo sự phát triển đội ngũ. Ví dụ, đảm bảo sự quản lý thống nhất về đội ngũ của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đây là sự thống nhất có phân cấp chứ không phải tất cả "ôm" về Bộ. Việc tuyển dụng nhà giáo khi giao cho ngành giáo dục chủ trì sẽ quan tâm đến kỹ năng thực hành sư phạm của người dự tuyển, chứ không phải chú trọng bài thi lý thuyết như hiện nay…

SINH VIÊN SƯ PHẠM RA TRƯỜNG ĐÃ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ ?

Một giảng viên Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu băn khoăn về quy định chứng chỉ hành nghề với nhà giáo trong dự thảo luật, liệu có nảy sinh tiêu cực trong quá trình sát hạch và cấp chứng chỉ hay không.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, nguyên Phó cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), đặt vấn đề: "Theo đánh giá kiểm định chất lượng, đầu ra của các trường sư phạm hiện nay đạt chuẩn nghề nghiệp bậc 1, tức là đã đủ điều kiện trở thành GV rồi. Thời điểm mà chúng tôi làm quy chế về thực hành sư phạm cũng đã đặt vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề và đẩy vào quá trình đào tạo ở trường sư phạm. Tuy nhiên, khi làm về quy chế nghiệp vụ sư phạm thì chúng tôi thấy thời gian thực hành nghề của sinh viên sư phạm chưa đủ và vì thế chúng ta phải quy định thời gian thực hành nghề sư phạm 1 năm hoặc 9 tháng".

Thu nhập không đảm bảo, mọi yêu cầu với nhà giáo sẽ 'ở trên mây'- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, để thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm thì phải có chế độ đãi ngộ hấp dẫn

NGỌC THẮNG

Như vậy, theo bà Hồng, đào tạo sư phạm mới cận chuẩn nghề nghiệp chứ chưa đạt chuẩn bậc 1. Vậy bây giờ có nên đẩy thời gian tập sự sư phạm cho các trường đào tạo GV, tăng thêm thời gian thực hành từ 6 tháng đến 9 tháng. Lúc đó, các trường sư phạm có thể khẳng định sinh viên ra trường là đạt chuẩn nghề nghiệp và có chứng chỉ hành nghề luôn. Làm được điều này sẽ đơn giản cho khâu tuyển dụng cho địa phương và cũng tương đồng với thế giới, nghĩa là trước khi được tuyển dụng thì nhà giáo đã có chứng chỉ hành nghề. Ví dụ, các nước Anh, Úc, Mỹ thì nhà giáo đều phải có chứng chỉ hành nghề trước khi được tuyển dụng…

Xung quanh quy định về chứng chỉ hành nghề với nhà giáo, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thành viên ban soạn thảo luật Nhà giáo, cho rằng quy định này không phải là "dị biệt" mà cần thực hiện để hội nhập thế giới.

Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là yêu cầu chứng chỉ hành nghề có lợi ích gì, ông Tiến nêu và cho rằng, bên cạnh một số mặt có thể phát sinh về thủ tục hành chính, tâm tư của nhà giáo…, thì lợi ích là cơ bản với chính nghề nghiệp của nhà giáo và quản lý nhà nước. Chứng chỉ hành nghề giúp phân biệt giữa nhà giáo chính danh và nhà giáo tự xưng tràn lan trên mạng xã hội. Muốn khẳng định mình là nhà giáo chính danh thì phải chứng minh bằng chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ ấy khẳng định được vị thế của nhà giáo trong xã hội.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, việc tốt nghiệp sư phạm mới là điều kiện cần để trở thành một nhà giáo, điều kiện đủ là phải có thời gian tập sự và được đánh giá sau khi hoàn thành thời gian tập sự. "Cơ bản là không có gì phát sinh so với điều kiện để nhà giáo được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hiện nay, cũng không có bất kỳ khó khăn nào về mặt hành chính, hay về cơ chế xin cho", ông Tiến khẳng định.

Ông Tiến cũng nêu: Để được cấp chứng chỉ hành nghề, phải trải qua một quá trình sát hạch nhưng sát hạch thế nào, có thể phải trải qua một kỳ tập sự và sinh viên sư phạm ra trường cũng có thể xin sát hạch ngay, nếu đủ điều kiện thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. 

Cần làm rõ cơ chế thu hút, điều động nhà giáo

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng cần làm rõ hơn các quy định liên quan đến hợp tác quốc tế trong luật Nhà giáo. GV nước ngoài đến VN cần bồi dưỡng ra sao về văn hóa, đạo đức nghề nghiệp… Hiện nay việc thu hút nhà giáo là người nước ngoài với các trường ĐH rất khó vì vướng nhiều về cơ chế, tài chính. Trong khi đó, nhu cầu này của các trường ĐH là rất quan trọng trong quá trình hội nhập.

Cũng theo GS Sơn, luật cần thể hiện rõ cơ chế về điều động GV dạy liên trường để khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ hiện nay. Nên có hướng mở để ràng buộc trách nhiệm của địa phương về thu hút GV, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi khác như hiện nay khiến GV sẽ đổ dồn về những địa phương có cơ chế thu hút, đãi ngộ tốt, ảnh hưởng tới việc đào tạo của các trường sư phạm cũng như dự báo nhu cầu nhân lực giáo dục ở địa phương.

Nhà giáo cần được tự chủ nhiều hơn

PGS Nghiêm Đình Vỳ đề nghị luật Nhà giáo cũng phải thể hiện rõ hơn việc ngành giáo dục được quyền tự chủ về tài chính và nhân sự của giáo dục. Ngoài ra, chính nhà giáo cũng phải được trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa, ít nhất là với việc quyết định thời lượng giáo dục trong bộ môn của mình. Ví dụ, một nội dung này thì GV ở Hà Nội chỉ dạy 2 tiết nhưng GV ở nơi khác có thể dạy 4 - 5 tiết cho phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh, không nhất thiết mỗi bài phải dạy đủ bằng đấy tiết như hiện nay. "Luật Nhà giáo phải làm thế nào để làm cho nghề giáo vinh quang hơn, thu hút được nhiều người giỏi vào ngành sư phạm", ông Vỳ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.