Thư pháp Việt đứng trên nền Pollock

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/01/2022 06:23 GMT+7

Ông Nguyễn Quang Thắng cho biết, nhiều thư pháp gia trẻ như ông đã nghiên cứu Jackson Pollock (một họa sĩ trừu tượng nổi tiếng người Mỹ) để sáng tác.

Cả ba thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Thế Sơn đều chung kỷ niệm những năm viết thư pháp ở… vỉa hè Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Thời điểm đó cách đây cả chục năm, khi những người viết chữ thỉnh thoảng còn bị công an đuổi. Nhưng bây giờ mọi việc đã khác. Văn Miếu đã quy hoạch việc viết chữ trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt này. Cả ba thư pháp gia cũng đang cùng nhau tổ chức triển lãm thư pháp tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm từ nay đến Tết.

Tác phẩm thư pháp của Nguyễn Quang Thắng, Phạm Văn Tuấn tại 22 Hàng Buồm

Tuấn Đào

Th.S Nguyễn Quang Thắng chia sẻ, hiện tại có thể tạm chia thư pháp VN thành 3 loại. Thứ nhất là loại ông đồ, thường vẫn ngồi vỉa hè đúng như câu thơ “mỗi năm hoa đào nở/ lại thấy ông đồ già” (Vũ Đình Liên). Lối này ảnh hưởng của thư pháp cổ điển, một chút của thư pháp dân gian mọi người truyền cho nhau. Loại thứ hai, những người học bài bản hơn thì sẽ viết kiểu thư pháp như hoành phi câu đối, dựng mới cho di tích hoặc đền thờ chùa chiền. Loại thứ ba, là thư pháp triển lãm.

Loại thư pháp thứ ba mà ông Thắng tạm gọi là thư pháp triển lãm cũng chính là loại hình mà ông Thắng, ông Tuấn và ông Sơn đang theo đuổi. “Chúng tôi học hỏi, đọc về triết học hậu hiện đại, chủ nghĩa biểu hiện, tìm hiểu Jackson Pollock là ai… Chúng tôi phải lấy được tinh thần của những điều đó và kết hợp với thư pháp”, ông Thắng nói.

Thư pháp kiểu Việt

Ông Thắng cho biết, thư pháp đương đại chịu ảnh hưởng của trừu tượng biểu hiện rất nhiều. Ông và những người theo đuổi thư pháp đương đại cũng có những nghiên cứu liên tục để tạo ra tinh thần Việt trong thư pháp. “Chúng tôi lấy những chất liệu VN để tạo ra những cái gì khác Nhật Bản. Chúng tôi sử dụng chất liệu giấy dó, có mực từ đất…”, ông Thắng nói.

Ông Phạm Văn Tuấn cho biết ông và ông Thắng sau những giờ viết thư pháp lại tiếp tục nghiên cứu Hán Nôm. Việc nghiên cứu giúp các ông hiểu hơn về thư pháp, cũng như những câu chuyện văn hóa của chữ Hán, chữ Nôm.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, thư pháp là một phần rất quan trọng của nghệ thuật thời kỳ Đông Dương. Ông Sơn cho biết nhiều bức tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương hiện có giá triệu đô có thư pháp. Đó là các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm…

“Rất nhiều bức trong đó có đề thơ, đặc biệt là cụ Nguyễn Phan Chánh. Đó là những họa sĩ có nền tảng Pháp học, nhưng những ảnh hưởng của Nho giáo vẫn nặng. Các họa sĩ như Nam Sơn, Phan Chánh ngoài việc vẽ tranh lụa, họ cũng đề thơ nhiều trên đó. Tận bây giờ tranh của họa sĩ Nam Sơn hay Phan Chánh khó làm giả chính là nhờ phần thư pháp trên tranh”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết Học viện Nghệ thuật thực nghiệm ở Trung Quốc có thể đào tạo cả thư pháp, cả video art đến trình diễn… “Nó là chìa khóa quan trọng để không còn định kiến, phân chia giữa các thực hành nghệ thuật. Có những tác phẩm đã đẩy nghệ thuật thư pháp của phương Đông lên tầm ý niệm, và đi vào lịch sử của nghệ thuật đương đại thế giới”, ông Sơn nói. Đây cũng là hướng thực hành mà các nhà thư pháp Việt có thể học tập.

Ông Thắng cũng chia sẻ, nhiều thư pháp gia trong đó có ông thường xuyên lang thang để học hỏi ở các bảo tàng, các gallery. “Chúng tôi lang thang học để cố gắng luôn làm mới mình. Chúng tôi luôn đặt ra vấn đề là mỗi triển lãm thì đều không dùng chất liệu cũ nữa”, ông Thắng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.