Thu phí ô tô vào nội đô từ 2024 là bất khả thi

Mai Hà
Mai Hà
23/10/2022 16:25 GMT+7

Đơn vị tư vấn đề xuất triển khai sớm đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội từ 2024, tuy nhiên theo các chuyên gia, mốc thời gian này bất khả thi khi chưa thể giải quyết 2 điểm yếu cốt lõi.

Liên quan đề án thu phí ô tô vào nội đô (đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội), Sở GTVT Hà Nội cho biết, về công nghệ thu phí, sẽ số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.

Thu phí phương tiện vào nội đô không phải là "liều thuốc thần" giảm ùn tắc khi các bài toán căn cơ của Hà Nội đều đang chậm có lời giải

ngọc thắng

Sở này cũng khẳng định đảm bảo điều kiện vận tải công cộng có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Không bãi đỗ xe, phương tiện công cộng ì ạch

Tuy nhiên, nếu nhìn vào lộ trình đề xuất triển khai, theo các chuyên gia có 2 yếu điểm chưa thể khắc phục ngay trong 2 - 3 năm tới là bãi đỗ xe bên ngoài vành đai và hạ tầng công cộng.

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc), mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội tính đến thời điểm này mới đáp ứng gần 17,5% nhu cầu đi lại. Giai đoạn năm 2022 - 2025, UBND TP.Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân.

Song nhìn vào thực tế hiện nay tỷ lệ này rất khó hoàn thành, lý do trong 3 năm tới, ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông hoạt động, Hà Nội chưa có thêm bất kỳ tuyến đường sắt nào hoàn thiện (tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã xin lùi thời gian vận hành tới năm 2027). Dù khối lượng hành khách trên tuyến Cát Linh - Hà Đông đang tăng nhanh, song lưu lượng 50.000 - 60.000 lượt khách/ngày cũng chưa thấm vào đâu so với số dân Hà Nội.

Với bãi đỗ xe, tới thời điểm này Hà Nội chưa có đề án cụ thể nào về việc quy hoạch các bãi đỗ xe khối lượng lớn bên ngoài vành đai 3, trong khi quỹ đất khu vực này hiện rất hạn chế. Vành đai 3 gần như đã trở thành đường nội đô khi dọc tuyến này có hàng loạt cao ốc, khu đô thị đã và đang xây dựng,

Thu phí ô tô nhưng không hạn chế xe máy sẽ tác dụng ngược

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nếu đặt trạm thu phí bao quanh Vành đai 3 trở vào sẽ tương đối rộng, nhất là khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế (bãi đỗ xe, giao thông công cộng…). Vì thế, Hà Nội cần phải tính toán thu hẹp phạm vi áp dụng.

Chuyên gia này cũng cho rằng, các nước khi mới thực hiện đều thu phí phương tiện cá nhân ở phạm vi hẹp. Có thể chỉ thực hiện ở quận trung tâm, khu vực thường xuyên ùn tắc, sau đó mới mở rộng phạm vi khi các điều kiện đi lại của người dân bằng giao thông công cộng thuận tiện hơn, đời sống thu nhập của người dân cao hơn.

Bản đồ dự kiến các trạm thu phí vào nội đô theo đơn vị tư vấn năm 2021

C.T.V

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình thì cho rằng Hà Nội cần tính toán lại thời gian thu phí, chỉ nên thu phí ở giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông.

Ông Bình cũng cho rằng, hiện nay ô tô dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) đã rất phổ biến nên nếu thực hiện việc thu phí vào nội đô thì nên tích hợp vào chung thẻ ETC luôn chứ không nên dán thêm một thẻ khác để tránh phiền phức cho người dân, doanh nghiệp. Khi tích hợp vào thẻ ETC thì hệ thống thu phí sẽ kết nối với hệ thống của các doanh nghiệp được giao thu phí.

Theo đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC, công nghệ thu phí nội đô hiện nay không có gì phức tạp, hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thu phí tự động như trên các đường cao tốc, đường QL hiện nay.

Các chuyên gia đều cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô là một trong các giải pháp giảm ùn tắc căng thẳng hiện nay của Hà Nội khi lượng xe tăng quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ đây không phải “liều thuốc thần” giảm được ùn tắc, nhất là khi thành phố đang ì ạch giải các bài toán căn cơ như hạ tầng giao thông chậm phát triển mới; mục tiêu di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô hơn chục năm nay chưa thực hiện được.

Mặt khác, với lưu lượng phương tiện rất lớn hiện nay, thu phí ô tô vào nội đô nếu không thực hiện đồng bộ với giải pháp hạn chế xe máy thì sẽ dẫn đến một tác dụng ngược là người dân chuyển sang sử dụng xe máy để đi vào nội đô. Và khi đó, ùn tắc sẽ càng hết thuốc chữa.

Tư vấn đề xuất chia đề án thu phí nội đô làm 3 giai đoạn triển khai:

Giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ thu phí trên 9 trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến ngày 30.11.2025 báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Cụ thể, khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Giai đoạn mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm -Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Mức thu phí dự kiến từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.