Đánh vào kinh tế, người dân sẽ phải điều chỉnh hành vi
Cho đến thời điểm này, chính quyền Hà Nội, mà cụ thể ở đây là Sở Giao thông vận tải, chưa đưa ra bất cứ nội dung cụ thể nào của việc thu phí phương tiện vào nội đô, ngoại trừ việc cho biết sẽ đưa ra HĐND vào kỳ họp cuối năm nay, như báo cáo trước Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải hôm qua (9.3).
Những gì truyền thông và người dân biết đến mới nhất về dự định này của Hà Nội là tại văn bản ngày 28.8.2018 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi Thủ tướng, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” (đề án 04).
Theo đó, đối tượng thu phí Hà Nội đề xuất là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đi vào vùng hạn chế phương tiện, tức là bao gồm cả ô tô và xe máy. Phạm vi thu phí là theo khu vực, tuyến đường các quận nội thành cần hạn chế phân vùng hoạt động của phương tiện.
|
Nguyên tắc xác định mức phí của Hà Nội là “cơ bản bù đắp một phần chi phí phục vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông”, nhưng chưa nói rõ “một phần” là bao nhiêu: 30%, 50% hay 70%.
Tóm lại, đến thời điểm này, người dân có thể chắc chắn Hà Nội sẽ thu phí với ô tô, xe máy vào nội đô, nhưng chưa biết mức phí là bao nhiêu, và khu vực nào sẽ bị thu phí.
Theo chính quyền Hà Nội, với biện pháp “kinh tế” tác động trực tiếp vào các chuyến đi của người dân này, người tham gia giao thông sẽ phải có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.
Đằng nào cũng phải “trao đổi với xã hội”, “lấy ý kiến người dân”
Đồng tình với việc thực hiện giải pháp này, nhưng Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng thừa nhận đề án “viết ra thì dễ, làm mới là khó”, “nếu viết mà thiếu thực tiễn thì ở dưới người ta không thực hiện được”.
“Thực hiện đề án 04 tôi đồng tình là rất khó. Chúng ta phải đặt lên mặt bàn cùng thảo luận để phát huy trí tuệ tập thể. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, mạnh dạn sớm đưa ra (phương án cụ thể). Cái gì cảm thấy bế tắc, bí thì cứ đưa ra. Người ta bảo cái gì không muốn làm thì cứ đưa ra tập thể. Không phải đâu. Đưa ra là tìm ra giải pháp đấy. Mà đằng nào các đồng chí cũng biết các giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân này thể nào cũng phải trao đổi với xã hội, thể nào cũng phải lấy ý kiến người dân, chứ chúng ta không thể làm một mình được”, Bí thư Hà Nội nói, và động viên Sở Giao thông vận tải Hà Nội “mạnh dạn đề xuất, đừng sợ sai. Cứ đề xuất ra rồi chúng ta sẽ điều chỉnh, sẽ nâng cấp”.
|
Theo Bí thư Hà Nội, kể cả thành phố có rất nhiều tiền, có cơ chế như mình muốn vẫn không thể nào đáp ứng hết được nhu cầu. Cho nên, kiểm soát phương tiện giao thông vẫn là giải pháp. Các nước họ cũng làm thế, dù họ không thiếu tiền.
“Trước đây chúng ta có cấm đăng ký xe máy, nhưng các nước họ không cấm mà làm cho ông nào sở hữu nhiều xe phải “khổ sở”, tức là thu phí bãi đỗ, bảo hiểm... rất cao. Ông nào có nhiều tiền thì ông ấy cứ nộp tiền cho nhà nước, chứ chúng tôi không cấm. Phương tiện cá nhân phải quản lý theo phương thức đó”, Bí thư Hà Nội theo quan điểm.
Ông Hải cho rằng, “nếu không có giải pháp, không ai được hưởng lợi trong việc này. Tất cả đều ra đường rồi đứng nhìn nhau 3-4 tiếng, chi phí xã hội tăng lên, cho nên kiểm soát phương tiện cá nhân chính là vì lợi ích chung của xã hội”.
"Không có chuyện viết ra một văn bản, mình cứ viết cho sướng tay"
Ngày 9.3, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý các cơ quan chức năng của Hà Nội về việc “truyền thông, đối thoại, giải thích với báo chí”, đặc biệt trong triển khai những giải pháp đụng chạm đến toàn bộ người dân thủ đô như cấm xe máy, thu phí phương tiện vào nội đô.
“Nếu chúng ta cứ đụng đến là chúng ta trốn, không giải thích, không giải trình làm rõ vấn đề, thì chúng ta càng khó khăn hơn. Đây các đồng chí đương đầu, các đồng chí giải thích. Mình cũng là con người, mình hoàn toàn có thể sai, nhưng trong quá trình trao đổi sẽ làm rõ được hơn mục đích của giải pháp. Từ đấy, các đồng chí lại có kinh nghiệm hơn, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải quan tâm đến đối tượng bị tác động. Nếu mình là người dân thì mình thấy quy định này có hợp lý hay không? Anh đã phải đương đầu với dư luận, báo chí, xã hội, anh sẽ thấy tôn trọng lợi ích của các bên liên quan không, chứ không có chuyện mình viết ra một văn bản mình cứ viết cho sướng tay”, ông Hải nói.
|
Bình luận (0)