Trước đây, ở các trạm BOT từ được dùng là “thu phí”. Nhưng từ ngày 1.1.2017, cụm từ “thu phí” đã được thay bằng cụm từ “thu giá”. Mới đây, khi nhiều trạm BOT đổi bảng trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” thì xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc thay đổi cách gọi tên này.
Chiều 22.5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích, phí thì liên quan đến Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định. Còn giá là dịch vụ của một doanh nghiệp cung cấp. Khi chuyển qua giá thì mới giảm giá sao cho cân đối được phương án tài chính.
|
tin liên quan
Đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với Chánh văn phòng nói 'con người không quan trọng'Theo ông Thể, việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu. Bởi vì như cũ muốn điều chỉnh phí thì phải thông qua Hội đồng nhân dân nên rất chậm.
Đó là cách giải thích của Bộ trưởng Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng xã hội lại cho rằng “thu giá” và “thu phí” là hai từ hoàn toàn khác nhau về mặt ngôn ngữ học. Việc thay đổi tên của các trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” là sai logic về mặt ngữ nghĩa.
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên, từ "phí" có nghĩa là để mất đi một cách vô ích do đã dùng không có hiệu quả, dùng quá mức cần thiết hoặc đã bỏ không dùng đến.
Còn từ "giá" có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa giải thích rằng: "giá" biểu hiện giá trị bằng tiền, tổng thể nói chung là những gì phải bỏ ra, tiêu phí, mát đi cho một việc làm nào đó; "giá" cũng có nghĩa là mầm đậu xanh, đậu tương chưa mọc lá. Có lẽ do vậy nên nhiều hình chế về trạm thu giá bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội.
Để làm rõ về mặt ngữ nghĩa của hai cụm từ này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi nhanh với một TS Ngôn ngữ về vấn đề này.
Theo TS này, "thu giá" dùng trong trường hợp người ta không tính đến lợi nhuận trong khoản thu. Nghĩa là chỉ thu đúng chi phí tạo nên giá thành của một sản phẩm hoặc dịch vụ mà chưa tính đến lợi nhuận.
TS giải thích thêm, từ "thu phí" có nghĩa là khi khách hàng trả phí sẽ nhận lại được một sản phẩm/dịch vụ tương xứng và đồng thời bị chi phối bởi các quy định của pháp luật về phí như: lệ phí trước bạ, lệ phí công chứng giấy tờ...
Tại sao lại xuất hiện từ 'thu giá'?
Luật sư Lê Việt Hùng, Hãng luật Minh Mẫn (TP.HCM) cho biết cụm từ "thu giá" xuất phát từ Luật phí và lệ phí.
Theo đó, trước đây, Pháp lệnh Phí và lệ phí 2001 quy định tại Điều 2 rằng: "Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ".
tin liên quan
2 phượt thủ đã tử nạn: Nên cấm cung đường phượt Tà Năng - Phan Dũng?Ngày 25.11.2015, Quốc hội thông qua Luật phí và lệ phí, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2017. Theo đó, luật này quy định: "Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công".
"Như vậy, kể từ khi Luật phí và lệ phí có hiệu lực thì "phí" chỉ dùng để chỉ khoản thu cho dịch vụ công (được cung cấp bởi nhà nước). Phụ lục số 2 kèm theo luật này quy định chuyển đổi "phí sử dụng đường bộ" thành "giá sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh". Do đó, thay rằng thu phí thì Bộ GTVT đổi thành thu giá", LS Hùng giải thích.
Theo ý kiến của LS Hùng, việc áp dụng luật như thế này là quá máy móc nên mới sinh ra một từ "thu giá" không có nghĩa hoặc có nghĩa hoàn toàn khác so với bản chất của nó. Hiện tại, các dịch vụ về y tế, giáo dục cũng được xã hội hóa, tức là không còn được cung cấp bởi một mình nhà nước, nhưng không vì thế mà các cơ sở này lại đổi "học phí", "viện phí" thành "học giá" hay "viện giá".
Bình luận (0)