Bạn thân mến.
Tớ ra đây đã được một tuần rồi. Nhưng phải đến hôm nay mới viết thư cho cậu vì lúc này mới bình phục.
|
Ủa, sao lại bình phục? Cậu sẽ kêu lên như thế. Một tiếng kêu rất chính đáng vì ai chả biết tớ đi lễ hội. Lễ hội là vui chơi, ăn uống, ca hát chứ đâu phải đánh nhau mà bình phục?
Đầu tiên, xin xác nhận rằng cậu nói đúng. Quả là có vui chơi, có ăn uống và có ca hát thật. Thậm chí vui chơi còn ghê gớm, ca hát còn tưng bừng, ăn uống thì tràn lan, chả sợ thiếu thứ gì. Ngay cả một thứ rất thông dụng là giữ xe quá giá còn phát triển nữa là những thứ tốt đẹp kia.
Nhưng tớ kiệt sức chả phải vì những thứ ấy. Bởi nhiều lý do! Sự vui chơi chả phải hiếm, nó diễn ra khá thường xuyên, khá đông đảo do đó cá nhân nào bất ngờ kiệt sức vì nó là điều không tưởng.
Thứ hai, như cậu quá biết, tớ còn trẻ và khỏe, toàn thân đầy năng lượng chưa biết dùng vào đâu cho hết, chả lẽ kiệt sức được, nếu như không có một lý do lớn lao, một sự lao động nặng nhọc và quyết liệt.
Có đấy, cậu ạ.
Có vì tớ không ngờ trong năm nay, ở lễ hội của tớ tham dự, phong trào cướp giật lại nổi lên nhanh, mạnh và rầm rộ như thế.
Cướp giật, như cậu biết là một hành vi rất đặc biệt. Khi cướp giật, người ta phải lao lên, phải vung chân vung tay, thậm chí có khi còn vung cả răng, cả nấm đấm thì quy trình cướp giật mới hoàn thiện và mới phát huy được sức mạnh của nó. Làm gì có ai cướp giật bằng phương pháp ngồi im đọc sách hoặc cướp bằng lối nhẹ nhàng đi tới, khe khẽ khuyên can.
Cho nên bất cứ cá nhân nào cũng hiểu, đã tham gia vào cướp giật là phải hết mình, không tiếc thân thể, không tiếc xương thịt, không tiếc cả kêu la. Lấy đâu ra sự cướp êm ả, thong thả, vừa cướp vừa hát hay ngâm thơ?
Từ đấy, cậu sẽ chẳng ngạc nhiên khi tớ chỉ cướp giật có vài ba lần là tơi tả, nát nhừ và kiệt sức. Đầu tớ sưng, áo tớ rách, chân tớ suýt gãy và mũi tớ suýt rách. Vì sao? Vì phải va đập, phải giằng co, phải tranh nhau và không sợ va chạm với các đầu khác, các chân khác và mũi khác! Khi cướp giật, mọi bộ phận trên cơ thể ta và con người xung quanh đều bình đẳng, không có trên dưới, nhường nhịn gì ráo.
Thế tớ cướp cái gì?
Nói thật là chính tớ cũng chả hiểu được. Nếu nó là vàng bạc, châu báu, là xôi là thịt thì còn dễ hình dung. Đằng này có khi chỉ là một cục gỗ, một cái que hay một tờ giấy, thế nhưng khi ai cũng xô vào cướp, tự nhiên lúc ấy mình có cảm giác trào dâng là không cướp thì thiệt, mà thực ra sau đấy, nghĩ lại chả hiểu thiệt cái gì.
Thế tớ cướp của ai?
Rõ ràng là không của ai cả, vì nếu cậu ra phố, cậu chỉ cần giật một túi xách, một cái điện thoại là có người hét ầm lên, kêu cứu, kêu bắt cậu lại. Nhưng ở lễ hội, tuy số lượng kẻ cướp giật rất đông, lại cướp ban ngày, cướp công khai nhưng cũng chả thấy có ai kêu cứu, chứng tỏ tài sản cướp hoặc vô chủ, hoặc chủ cũng không quan tâm lắm.
Cuối cùng cướp để làm gì?
Mặc dù vật để cướp có vẻ rất quý, nhưng khi cướp được rồi, kẻ chiến thắng cũng không biết giải quyết ra sao. Bán không ai mua, đổi lấy ti vi, xe máy chả ai đổi, không ăn được, không mặc được, không thể lấy được nhưng cho thì tiếc. Tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và có khi còn hơn thế để rồi tác dụng không rõ ràng, kỳ quái làm sao.
Nên cậu đừng ngạc nhiên khi cho tới phút này, lúc còn nằm trên giường bệnh với thân thể thâm tím, đầu tóc nát nhàu, tớ vẫn tự hỏi do đâu tớ tham gia cướp và không tiếc thân mình cho cướp. Hình như vào thời khắc ấy, tớ bị cái bệnh tham lam vô cớ nổi lên trong tim, đó là suy nghĩ ai cướp gì mình phải cướp nấy, thà cướp nhầm còn hơn cướp sót, cho nên tớ đã xông vào mặc dù không hề có chuẩn bị.
Nhưng cũng phải thú thực với cậu, tớ nằm trong số kẻ không cướp được. Khi cướp, tớ mới đau lòng phát hiện ra, mình khỏe có đứa khỏe hơn, mình liều có đứa liều hơn, đừng bao giờ so cơ bắp với thiên hạ.
Không cướp được nhưng vẫn bị nhừ tử, đó là tình trạng chung của tớ và của nhiều anh em.
Tớ viết thư này cho cậu để cậu biết rõ thực trạng và rút kinh nghiệm, nếu cậu có ý định đi lễ hội thì phải chuẩn bị sức khỏe đầy đủ và xác định trước là cậu có tham gia cướp hay không, đừng để bị động và đừng để cuốn theo đám đông như tớ, sẽ nguy hiểm vô cùng!
Bạn của cậu.
Tèo
Bình luận (0)