Những vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ là một nội dung được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ trong buổi tọa đàm góp ý kiến về dự thảo thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chiều 31.7.
Nguồn thu từ khoa học công nghệ của trường có đào tạo tiến sĩ phải cao gấp đôi
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, dự thảo thông tư này bắt đầu xây dựng từ năm 2021 và được đưa ra xin ý kiến rộng rãi các cơ sở giáo dục ĐH và các bên liên quan. Việc xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục ĐH có nhiều mục đích, trong đó có việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH. Ông Sơn nói: "Chúng ta thực hiện sắp xếp, sáp nhập, giải thể trường ĐH, học viện kém hiệu quả, nhưng thế nào là kém hiệu quả thì phải có chuẩn".
Dự thảo thông tư được đưa ra lấy ý kiến ngày 28.7, gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí. Các tiêu chuẩn gồm: tổ chức và quản trị, giảng viên, điều kiện học tập, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Dự thảo nhận được 116 ý kiến góp ý, trong đó tập trung vào 3 tiêu chí: tổ chức và quản trị, giảng viên, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý trong dự thảo này, tiêu chuẩn thứ 6 yêu cầu cơ sở đào tạo có lực lượng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo phải thể hiện qua nguồn thu khoa học công nghệ và khả năng công bố. Trong đó, tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ trên tổng thu của cơ sở đào tạo, tính trung bình trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 5% và đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%. Bên cạnh đó, số lượng công bố khoa học quy chuẩn theo lĩnh vực đào tạo hàng năm tính trung bình trên giảng viên toàn thời gian đạt tối thiểu 0,3 bài; đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ không phải trường chuyên ngành đặc thù chỉ tính các bài có trong danh mục WoS hoặc Scopus.
Hiện nay có quá nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ
Trước những ý kiến đóng góp của các trường ĐH về liên quan việc đào tạo tiến sĩ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng hiện nay việc quy hoạch các trường ĐH trên thế giới, ví dụ bang California (Mỹ), đang theo hướng ĐH có đào tạo tiến sĩ và không đào tạo tiến sĩ.
Ông Sơn cho rằng: "Đã là trường ĐH phải có nghiên cứu. Nghiên cứu chính là tạo ra tri thức, nâng cao năng lực giảng viên, cũng là cách để sinh viên học tập thực tiễn. Nghiên cứu hiệu quả phải thể hiện ở kết quả, ở kinh phí, chứ nghiên cứu không thể không có kết quả, không có kinh phí".
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, mục đích đầu tiên khi xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục ĐH là quy hoạch. "Hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ nên không tập trung được nguồn lực, chất lượng không đảm bảo sự đồng đều. Có trường chỉ đào tạo 1 ngành tiến sĩ. Trừ trường hợp trường đào tạo 1 ngành đặc thù như khối y dược, còn những trường khác chỉ đào tạo 1-2 ngành và mỗi năm chỉ 5-7 nghiên cứu sinh thì có nên gọi là một trường ĐH đào tạo tiến sĩ không? Đã là nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ phải có sự giao lưu, có sự cọ xát. Tôi không nghĩ đào tạo 1 ngành mà có thể có chất lượng được", ông Sơn đặt vấn đề.
Cũng theo ông Sơn, 1 trường ĐH nghiên cứu thể hiện ở nhiều yếu tố, trong đó có tỷ lệ nghiên cứu sinh, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, có số công bố, nguồn thu từ nghiên cứu. "Hiện nay tỷ lệ các trường có đào tạo tiến sĩ đang chiếm khoảng 30-40% tổng số các trường - là khá nhiều, chúng tôi nghĩ rằng không hiệu quả", ông Sơn nói.
Theo Thứ trưởng, những nơi đào tạo tiến sĩ phải có nghiên cứu, nguồn lực cho nghiên cứu, có khả năng công bố mới có chất lượng được. "Những đợt vừa rồi Bộ rất vất vả về câu chuyện giải trình chất lượng đào tạo tiến sĩ. Vấn đề nằm ở đâu, nằm ở chính việc chúng ta chưa có quy hoạch. Các trường đều muốn đào tạo tiến sĩ, một số trường tư thục đào tạo không hiệu quả nhưng vì sao chúng ta đào tạo?", ông Sơn đặt câu hỏi.
Theo đó, Thứ trưởng cho rằng cần xem xét chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các trường hiện có hiệu quả hay không, vì sao cần phải đào tạo tiến sĩ. "Bộ phải quyết liệt làm. Không thể trường nào cũng có thể đào tạo tiến sĩ được", Thứ trưởng nói. Theo ông, cần đưa ra yêu cầu để xác định có bao nhiêu phần trăm cơ sở đào tạo tiến sĩ, các cơ sở khác chỉ đào tạo từ ĐH đến thạc sĩ, như thế mới tạo ra chất lượng được.
Ông Sơn cũng chỉ ra, hiện nay số lượng nghiên cứu sinh ở Việt Nam rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ được đào tạo trên thế giới nhưng lại phân tán ở số lượng lớn các cơ sở giáo dục ĐH. "Chính vì chất lượng chưa tốt, nguồn lực chưa đủ, đặc biệt không gắn với nghiên cứu nên chất lượng thấp, số lượng ít và không đáp ứng được yêu cầu", ông Sơn nhận định.
Do đó, Bộ GD-ĐT quy hoạch, nâng chuẩn để các trường xác định rõ sứ mạng của mình, biết tập trung ở phân khúc đào tạo nào. "Chúng tôi nghĩ rằng 1 cơ sở đào tạo đa ngành đa lĩnh vực với 50 ngành ĐH nhưng chỉ 2-3 ngành đào tạo tiến sĩ, thì không nên. Như vậy vừa không hiệu quả vừa khó đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Bình luận (0)