Từ vụ đại gia Minh Nhựa yêu cầu tòa tuyên bố 'vợ mất tích': Pháp luật quy định gì?

Phan Thương
Phan Thương
23/02/2021 14:08 GMT+7

Ông Phạm Trần Nhật Minh (đại gia Minh Nhựa ) có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố vợ mình là bà Nguyễn Thị Phương Thúy mất tích khiến dư luận quan tâm. Vậy, khi nào tuyên bố một người mất tích, thủ tục thế nào?

Mới đây, thông tin về đại gia Minh Nhựa (tên thật là Phạm Trần Nhật Minh, 38 tuổi) đang làm thủ tục ly hôn với vợ là bà Nguyễn Thị Phương Thúy (39 tuổi) và có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố vợ mình là bà Nguyễn Thị Phương Thúy, mất tích khiến dư luận quan tâm. Vậy trong trường hợp nào tuyên bố một người mất tích và thủ tục được thực hiện như thế nào ?

Đại gia Minh Nhựa yêu cầu tòa tuyên bố 'vợ mất tích': Pháp luật quy định gì?

Thủ tục, thời hạn 

Theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án phải ra thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu mất tích, đồng thời thông báo này phải đăng tải trên báo chí, phát sóng trên đài phát thanh - truyền hình...
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, căn cứ khoản 1 Điều 68 bộ luật Dân sự, điều kiện để tòa án tuyên bố một người mất tích là: Người đó phải biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết;
“Và thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”, luật sư Tuấn phân tích.

Trước đó, đại gia Minh Nhựa bất ngờ yêu cầu tòa tuyên bố ‘vợ mất tích’

Cũng theo luật sư Tuấn, dựa vào các quy định của bộ luật tố tụng Dân sự 2015, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tòa án phải thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày tòa ra thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, thì thông báo này phải được đăng tải trên báo T.Ư trong 3 số liên tiếp, cổng thông tin điện tử của tòa án, UBND cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của T.Ư với 3 lần trong 3 ngày liên tiếp.
“Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 4 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo mà người tìm kiếm vẫn không xuất hiện thì tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu”, luật sư Tuấn thông tin.

Nếu cố tình thay đổi địa chỉ thì xét xử vắng mặt

Vậy trong trường hợp dù bên người khởi kiện không cung cấp được nơi cư trú hay tạm trú của người bị kiện, nhưng người này vẫn xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội… thì có thuộc trường hợp “biệt tích” hay không?
Một thẩm phán chuyên xét xử án hôn nhân cho biết “biệt tích”, tức tòa đã áp dụng mọi biện pháp tìm kiếm nhưng vẫn không biết thông tin chính xác về người này và người này vẫn không xuất hiện tại tòa thì mới gọi là “biệt tích”.
Ngoài ra, theo vị thẩm phán này, trường hợp xác định được nơi thường trú của bị đơn nhưng người này vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 6 tháng trở lên mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong sổ hộ khẩu. Đồng thời, người này không đăng ký nơi tạm trú mới cũng như tòa đã dùng mọi biện pháp tìm kiếm nhưng người này vẫn không xuất hiện thì tòa vẫn có thể tuyên bố người này mất tích, theo yêu cầu của nguyên đơn.
“Còn trường hợp không xác định được nơi cư trú do bị đơn thay đổi nơi cư trú liên tục thì vụ án có thể xét xử vắng mặt bị đơn theo trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ”, vị thẩm phán trên cho biết.
Được biết, trong vụ án ly hôn giữa vợ chồng đại gia Minh Nhựa và đơn yêu cầu của 'đại gia' Minh Nhựa về việc đề nghị tòa tuyên bố vợ mình mất tích, tòa án đã thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố mất tích; tòa cũng đã đăng trên báo T.Ư với 3 số liên tiếp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.