Chiều 14.10, tại Trường ĐH Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc với hơn 700 cử tri là đại diện lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nguồn nhân lực trẻ của Cần Thơ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tham dự còn có ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP.Cần Thơ; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại biểu quốc hội TP.Cần Thơ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Đại biểu quốc hội TP.Cần Thơ; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
Nhiều đề đạt chính đáng
Tại buổi tiếp xúc, ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách TP.Cần Thơ, thay mặt Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ đã thông tin đến cử tri chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan công tác chuyển đổi số trong thanh niên và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Đồng thời cũng nêu rõ mục đích của lần tiếp xúc này là để lắng nghe, giải trình và ghi nhận nội dung ý kiến, kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nguồn nhân lực trẻ về những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác chuyển đổi số trong thanh niên, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là lắng nghe những tâm tư, đề đạt khát vọng về xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trước xu thế tham gia hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Kiến nghị liên quan đến chuyển đổi số, cử tri Lê Cẩm Huỳnh, Bí thư Quận đoàn Thốt Nốt, cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh các giải pháp khắc phục những hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, cùng với đó các chương trình nâng cao năng lực cho lực lượng thanh niên trong chuyển đổi số.
Trong khi đó, cử tri Phạm Thái Thu, Bí thư Quận đoàn Ninh Kiều đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho ĐBSCL và TP.Cần Thơ. Đặc biệt là hạ tầng về giao thông như các tuyến cao tốc, đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, cảng biển, xây dựng trung tâm logistics phục vụ cho xuất khẩu nông, thủy sản ĐBSCL...
Cử tri Nguyễn Phạm Anh Thi, Phó bí thư Đoàn trường Đại học Cần Thơ đề nghị Trung ương và TP.Cần Thơ cần có những cơ chế, chính sách thiết thực hơn để thu hút và huy động nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo ở các nước phát triển, có chính sách tạo điều kiện cho lực lượng này được cống hiến, phục vụ đất nước.
Cử tri Huỳnh Cảnh Thanh Lâm cho rằng, hiện nay, địa bàn TP.Cần Thơ có hơn 100.000 sinh viên từ khắp nơi về sinh sống học tập và nghiên cứu, đa số ở ĐBSCL. Tuy nhiên, thành phố chưa có nhà văn hóa thanh niên để tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao rèn luyện các kỹ năng cho thanh niên. "Tôi cho rằng, với vai trò trung tâm của ĐBSCL, TP.Cần Thơ cần sớm quan tâm xây dựng nhà văn hóa thanh niên nhằm đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên toàn diện hơn", cử tri Thanh Lâm nói.
Hỗ trợ thanh niên trong chuyển đổi số
Ghi nhận kiến nghị của cử tri trẻ Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đoàn viên, thanh niên, nguồn nhân lực trẻ chính là lực lượng xung kích, nòng cốt trong bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước nói chung và Cần Thơ nói riêng. "Tuổi trẻ là đổi mới, sáng tạo, hoài bão, ước mơ, lý tưởng, khát vọng cống hiến vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chúc các bạn khỏe mạnh và thành công trên con đường khởi nghiệp, hội nhập cống hiến và khát vọng của chính mình. Tổ quốc và nhân dân trông chờ, hy vọng và tin tưởng vào sự thành công của các bạn", Thủ tướng nói.
Thủ tướng hoan nghênh và trực tiếp phản hồi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, liên quan một số nội dung về chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho thanh niên, thế hệ trẻ đóng góp cho địa phương và đất nước… Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, nước ta đã đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng chiến lược và đào tạo nhân lực, bao gồm hạ tầng và nhân lực chuyển đổi số. Để thúc đẩy hạ tầng số, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành một số văn bản nhằm bảo đảm sự liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các ứng dụng chuyên ngành, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, như Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá, giúp chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho lực lượng thanh niên trong chuyển đổi số, năm 2023, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định chủ đề "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn"; Tháng Thanh niên năm 2023 mang chủ đề "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số". Theo Thủ tướng, cơ sở pháp lý của các vấn đề trên đã cơ bản đầy đủ nhưng thực tiễn chuyển đổi số diễn ra nhanh đòi hỏi mỗi người cần phải có ý thức cao hơn trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng thế hệ trẻ hoàn toàn có thể tự học tập và nâng cao năng lực số.
Ở đâu cũng được miễn là được phát huy tối đa khả năng của mình
Riêng ý kiến liên quan đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo ở các nước phát triển, Thủ tướng khẳng định quan điểm khuyến khích, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Để huy động nguồn nhân lực này, Thủ tướng cho rằng có 3 yếu tố quan trọng gồm tình cảm, vật chất và tinh thần, ở đó quan trọng là giữ được tình cảm của thế hệ trẻ với quê hương, đất nước, gốc gác của mình. Cùng với đó, cần coi trọng, khuyến khích, kêu gọi và có chế độ, chính sách phù hợp để đội ngũ nhân lực này làm việc, cống hiến cho đất nước. Song, Thủ tướng cũng cho rằng cần tôn trọng quyết định của mỗi người về nơi làm việc: "Ở đâu cũng được miễn là được phát huy tối đa khả năng của mình, trước hết là tự lo được cho chính mình, giúp gia đình, góp phần cho xã hội, đất nước ấm no, hạnh phúc; khi có điều kiện thì đóng góp, khẳng định trách nhiệm với quê hương, đất nước".
Với các kiến nghị sớm triển khai xây dựng Nhà văn hóa thanh niên TP.Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết và đề nghị TP.Cần Thơ cần quy hoạch, bố trí nguồn lực để cố gắng triển khai trong nhiệm kỳ này. Thủ tướng hoan nghênh mong muốn thanh niên Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung tích cực đóng góp, đảm nhận các công trình thanh niên với những nội dung thiết thực nhất có thể. Chẳng hạn như công trình thanh niên liên quan tới chuyển đổi số, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, bảo vệ môi trường… trên tinh thần mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân, đồng thời gắn liền với lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho ĐBSCL
Về đầu tư cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL, Thủ tướng cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng giao thông tại khu vực này. Tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đất nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng độ dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay đạt 1.822 km; trong đó nhiều dự án lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai tại ĐBSCL. Ngoài ra, theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ, chiều dài 174 km có lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, hiện Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương triển khai việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ (sông Hậu), với chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP.Cần Thơ.
Thủ tướng đề nghị sau hội nghị, các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP.Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình luận (0)