Đó là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tọa đàm “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp", do Bộ KH-ĐT phối hợp cùng Hội châu Á của Mỹ tổ chức rạng sáng nay 18.5 tại TP.San Francisco trong chuyến thăm, làm việc tại Mỹ.
Thủ tướng phát biểu tại buổi đối thoại |
NB |
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng đã dành ít phút để bày tỏ quan điểm về tình hình thế giới và quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng như các ưu tiên chính sách của Việt Nam đối với vấn đề đổi mới sáng tạo.
Theo Thủ tướng, thế giới đang nổi lên các vấn đề toàn cầu, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; dịch bệnh Covid-19 suốt 2 năm qua làm mất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian. Cùng với đó là vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số.
“Tóm lại tình hình thế giới ngoài thuận lợi thì đan xen cả khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn thách nhiều hơn và tác động toàn thế giới, kể cả lạm phát, giá xăng dầu… tất cả đều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta. Điều đó đòi hỏi cách giải quyết, tiếp cận phải toàn cầu, toàn dân”, Thủ tướng nói, đồng thời kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương bởi nếu “không chung tay thì không giải quyết được”.
Nói về quan hệ Việt - Mỹ, Thủ tướng nhắc lại bức thư năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman ngay sau độc lập với lời đề nghị đặt mối bang gia, sẵn sàng mở cửa quan hệ với Mỹ, với thế giới. “Trải qua thăng trầm, dù có lúc thù địch, nhưng quan hệ hai nước có đột phá. Chúng ta đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, Thủ tướng khẳng định và dẫn ra một loạt mốc sự kiện quan trọng như năm 1995 bình thường hóa quan hệ, hay năm 2000 hai nước ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, năm 2013 thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện hay Tuyên bố Tầm nhìn chung sau chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015 về “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Mỹ luôn mong Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng”.
Cùng với đó, quan hệ Mỹ - ASEAN cũng phát triển tốt đẹp khi các bên vừa thống nhất nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện. Mỹ và ASEAN là thị trường lớn của nhau, trong đó Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào ASEAN.
Việt Nam coi khởi nghiệp, khoa học công nghệ là động lực cho phát triển mới
Đối với chủ đề chính của buổi đối thoại, Thủ tướng khẳng định Việt Nam lấy khởi nghiệp, khoa học công nghệ là động lực cho phát triển mới. Bằng chứng là cả 3 đột phá chiến lược đều liên quan đến khởi nghiệp, khoa học công nghệ và Thủ tướng mong muốn các đối tác Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hợp tác nói chung, trong đó có cả khởi nghiệp, nhất là các vấn đề chống biến đổi khí hậu, chuyển đối số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng mong muốn hợp tác với các đối tác Mỹ để khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam thực chất, hiệu quả |
NB |
“Nhất là đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với sinh viên, thanh niên trong các vấn đề ưu tiên. Tất nhiên, chúng tôi cũng nghĩ rằng cần phát động khởi nghiệp toàn dân vì khởi nghiệp thì không giới hạn tuổi, giới tính hay biên giới”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi và kéo dài hơn dự kiến, Thủ tướng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục đề cập đến cơ hội hợp tác trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, lãnh đạo Tập đoàn Chervron về năng lượng - tài chính mong muốn các sáng kiến về công nghệ không nằm riêng lẻ mà cần được tích hợp, liên kết để mang đến sự hiểu biết nhiều hơn cho mọi người cũng như gia tăng cơ hội vươn lên cho người dân nhờ vào đổi mới công nghệ.
Đại diện cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon cho hay, quỹ này vừa hợp tác để làm pin cho ô tô điện cùng Vinfast và mong muốn được tìm hiểu một cách có hệ thống về các chính sách Chính phủ trong khuyến khích các doanh nghiệp từ Silicon tới Việt Nam hợp tác.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các starup. Cùng với đó, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng thuật như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Chúng tôi cũng có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực cần đầu tư sớm. Cũng như tăng cường năng lực y tế, giáo dục để hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, lâu dài”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo một nhà băng chuyên cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tại thung lũng silicon tặng Thủ tướng một chiếc túi được sản xuất tại Việt Nam nhưng gắn logo của ngân hàng này, như một biểu tượng cho mong muốn được hợp tác chặt chẽ.
Đáp lại, Thủ tướng cho hay, Việt Nam là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) nhất thế giới, độ mở nền kinh tế tới 200% GDP, có quan hệ thương mại với hơn 60 nước.
Dù vậy, Thủ tướng cũng lưu ý rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhất là nguồn lực để giải quyết các vấn đề mới như chuyển dịch năng lượng, biến đổi khí hậu… và rất mong muốn có sự chung tay của các định chế tài chính lớn.
Trả lời câu hỏi của Giám đốc khối Đông Nam Á và Nam Á của Tập đoàn Meta về đề nghị có nhóm hợp tác nhóm đặc trách của Hội châu Á với Việt Nam về chuyển đổi số, nhất là trong các quy định liên quan ngành công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh rằng “tài nguyên con người là quý giá nhất” và đề nghị được hợp tác trong nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đối số, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng bên cạnh đó, hạ tầng liên quan phát triển khoa học công nghệ cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để phù hợp yêu cầu phát triển chung. “Nhưng vấn đề đầu tiên tiền đâu. Chúng tôi rất muốn huy động các nguồn lực tài chính thông qua hợp tác công tư. Những nước đang phát triển như Việt Nam cần ưu tiên nguồn lực, từ các nước phát triển”, Thủ tướng nói.
Microsoft nêu nhiều ý tưởng hợp tác với Việt Nam
Trước đó, Thủ tướng đã tiếp ông Sandy Gupta, Phó chủ tịch, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình của Tập đoàn Microsoft.
Ông Sandy Gupta cho hay, Microsoft đang đầu tư lớn, triển khai các chương trình lớn như phát triển công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, phát triển mã nguồn mở, xây dựng ứng dụng tạo điều kiện cho mọi tổ chức có thể tiếp cận hệ sinh thái để sáng tạo, chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng... Trong khi Việt Nam có dân số trẻ, đất nước năng động, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Microsoft mong muốn xây dựng kỹ năng số cho mọi người cả khối tư nhân, nhà nước; phát triển khoa học dữ liệu tại Việt Nam.
Microsoft đang phối hợp với Bộ TT-TT triển khai các chương trình này, trong đó có công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch và tin cậy, phòng, chống tham nhũng. Microsoft mong muốn hợp tác với Việt Nam chuyển đổi số; đảm bảo an ninh mạng; giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng cảm ơn Microsoft với các ý tưởng dành cho Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng làm Chủ tịch, nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số; đề nghị Microsoft phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện, quá trình phát triển của Việt Nam; góp phần phát triển Microsoft, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam; góp phần xây dựng quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng thực chất và hiệu quả.
Bình luận (0)