0:00
Tự động phát
Quảng Ninh, Hải Dương giữ công nhân lại đón tết tại tỉnh
Báo cáo tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ về chống dịch Covid-19 do Thủ tướng chủ trì chiều 8.2, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, địa phương đã phong toả H.Cẩm Giàng rất đúng lúc, vì Cẩm Giàng có 5 khu công nghiệp với trên 6 vạn công nhân.
Hải Dương phải phong toả để lấy mẫu sàng lọc vì lo nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong khu công nghiệp. Rất may, đến giờ này Hải Dương chưa thấy hiện tượng công nhân khu công nghiệp dương tính, nhưng tỉnh xác định không chủ quan, vẫn kiên trì lấy mẫu.
"Có những khu chúng tôi phong toả trong phong toả để khoanh vùng một cách triệt để. Hải Dương không có chủ trương lấy mẫu rồi cho công nhân tỉnh ngoài về, mà chúng tôi giữ công nhân ở lại và đã có kế hoạch rất hoàn chỉnh để công nhân đón tết tại tỉnh", lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết.
Cũng theo vị này, ở Cẩm Giàng "có những đối tượng nhạy cảm", như một shipper hoạt động phạm vi rộng, đã phải có biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để truy vết, sau ngày đã truy vết được 245 F1 để đưa đi cách ly tập trung. Còn "đối tượng nhạy cảm" khác, theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, như nhân viên phục vụ karaoke. Tỉnh đã đưa tất cả những người phục vụ karaoke đi xét nghiệm trong khu vực Cẩm Giàng đi xét nghiệm. Các huyện còn lại thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
0:00 |
Tỉnh Hải Dương cũng cảm ơn Chính phủ, Bộ Y tế đã hỗ trợ để Hải Dương "đỡ cơn choáng váng ban đầu", khi xét nghiệm 190 mẫu được 72 ca dương tính, và đề nghị tiếp tục được hỗ trợ cho đến khi dập hết dịch.
Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết tỉnh đã xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng với hơn 100.000 người (36.000 mẫu, vì xét nghiệm mẫu gộp), chiếm 31% dân số của địa phương có ca F0. Với xét nghiệm sàng lọc, Quảng Ninh "vui mừng phấn khởi báo cáo" là tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và tỉnh đang xem xét phong toả nhỏ lại các khu vực có F0.
Hiện Quảng Ninh cũng "động viên toàn bộ 18.000 công nhân tỉnh ngoài ở lại Quảng Ninh để ăn Tết, hành động có trách nhiệm để góp phần phòng, chống dịch cho đất nước mình".
0:00 |
Đồng ý để một số địa phương "áp dụng biện pháp mạnh" chống dịch
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khuyến cáo một số địa phương phải hiểu đúng về phong tỏa. "Phong toả là tạm thời không được di chuyển, xét nghiệm diện rộng, xong rồi lại cho về bình thường, chứ không phải phong toả theo kiểu đông cứng hết lại không làm gì cả", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Thủ tướng và các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức sản xuất trong tết, để ai ở đâu ở nguyên đó. Việc này vừa giúp ổn định sản xuất, vừa không gây xáo trộn trong tết do đi lại quá nhiều.
Phó thủ tướng khuyến nghị sau này Chính phủ có thể có khen thưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt việc này.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đồng ý với khuyến nghị trên, đề nghị các địa phương vận động công nhân viên nhà máy, chủ doanh nghiệp tổ chức sản xuất tại chỗ, hạn chế tối đa đi lại dịp tết Nguyên đán. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp này.
Thủ tướng cũng cho biết thêm không chỉ Việt Nam áp dụng chính sách này, mà Trung Quốc cũng đã làm tương tự.
0:00 |
Thủ tướng cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế, áp dụng giãn cách xã hội ở một số địa bàn cần thiết. Thủ tướng cho phép TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn, những địa bàn còn dịch, "được phép áp dụng biện pháp mạnh" để tránh dịch lây lan ra cộng đồng "một cách cụ thể, phù hợp".
"Tình hình có thể nói là xấu, có thể nói là nghiêm trọng cũng được, vì đã xảy ra lây lan trong cộng đồng. Đề nghị chúng ta phải làm hết sức mình để ngăn chặn sự lây lan này với biện pháp cụ thể của từng địa phương. Tình hình nghiêm trọng, nhưng thái độ của chúng ta kiên quyết, kịp thời. Đề nghị Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có ổ dịch chưa dập xong tiếp tục các giải pháp quyết liệt, không được chủ quan", Thủ tướng yêu cầu.
0:00 |
Bình luận