Sáng nay 6.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu các kết quả tích cực về kinh tế của thành phố như GRDP quý 1 tăng 5,8%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gần 178.000 tỉ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 4 tháng đầu năm, thu hút 1,7 tỉ USD vốn FDI (bằng cả năm 2022).
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, lãnh đạo Hà Nội cho biết thành phố tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; rà soát, xử lý dứt điểm các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ.
Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng đường Vành đai 4; các dự án đường sắt đô thị; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng nêu đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về 9 tuyến đường sắt trên địa bàn.
Đối với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, tiến độ đã đạt khoảng 76,5%, thành phố đang phấn đấu hoàn thành đoạn trên cao trong năm 2023. Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của ngân sách để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của dự án.
Dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc có tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỉ đồng, Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư dự án.
Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Đông - Xuân Mai từ nguồn vốn ODA để đảm bảo đồng bộ kỹ thuật, công nghệ với đoạn tuyến (Cát Linh - Hà Đông) đang hoạt động...
Sớm xem xét đẩy nhanh quá trình cho ý kiến để hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong năm 2023.
Bộ GTVT cần khẩn trương bàn giao hồ sơ tài liệu cho thành phố quản lý theo quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KH-ĐT xử lý vướng mắc thủ tục, Bộ Tài chính về vốn, Bộ GTVT về hướng tuyến các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hoàn thành trong quý 2.
Ngoài ra, về đề nghị của Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, đây là nội dung được nhiều địa phương kiến nghị. Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại, vừa bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân...
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành để xử lý 31 kiến nghị của Hà Nội; mong muốn thủ đô phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; xây dựng và phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, là hình mẫu phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Bình luận (0)