Thủ tướng nêu 3 cam kết lớn với nhà đầu tư nước ngoài

Mai Hà
Mai Hà
16/10/2023 13:12 GMT+7

Thủ tướng tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng xử lý người làm sai, bảo vệ người làm đúng.

Lắng nghe chia sẻ và kiến nghị cụ thể của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tại cuộc đối thoại sáng 16.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các nhà đầu tư đã tới Việt Nam và vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội và thời cơ để luôn đồng hành cùng Việt Nam. 

Trong điều kiện khó khăn, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cam kết tới Việt Nam và mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu 3 cam kết lớn với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài

NHẬT BẮC

Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ 3 cam kết lớn với nhà đầu tư: Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm lợi ích, ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Đến hết tháng 9.2023, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỉ USD, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động.

Trước câu hỏi của các nhà đầu tư về việc Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh các chủ trương chính sách lớn của Việt Nam và 3 trụ cột, đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; kiên trì chính sách quốc phòng "4 không"...

Thủ tướng khẳng định: Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao.

Thủ tướng nêu 3 cam kết lớn với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 3.

Các nhà đầu tư nước ngoài tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…

Đồng thời, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

 

Thủ tướng nêu 3 cam kết lớn với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Bruno Jaspert

NHẬT BẮC

Việt Nam là đất nước tuyệt vời của các cơ hội

Tại hội nghị, ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC, bày tỏ:

Trong vòng 3 tháng vừa qua, chỉ riêng khu công nghiệp chúng tôi đã đón tiếp các đại biểu từ Bờ Biển Ngà, Indonesia và Úc để nghiên cứu ảnh hưởng của hướng tiếp cận mới về khu công nghiệp sinh thái. Đây cũng là minh chứng của lựa chọn chiến lược sẽ đem lại khác biệt lớn. Và cũng là minh chứng cho việc Việt Nam xây dựng mô hình để các quốc gia các học tập theo.

Đề nghị Chính phủ có thêm các chính sách khuyến khích mô hình này như việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn. Kết hợp việc áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững. 

Nhiều bước đi theo định hướng đúng đã được thực hiện, tuy nhiên chặng đường hướng tới trung hòa carbon còn dài. Theo tôi, cần có chiến lược cho phép các khu công nghiệp và các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động cơ thay đổi hướng tới mục tiêu này. 

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu nguyên vật liệu san lấp. Tại châu Âu đã cho phép trong thiết kế đường trở thành hệ thống thoát nước thay vì thiết kế nâng cao độ đường. Không có lý do gì Việt Nam không làm được điều này, thậm chí hơn nữa. Nhưng hệ thống pháp lý chưa rõ ràng nên chưa triển khai được.

Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với các cơ hội. Một đất nước mà tôi rất hạnh phúc gọi là đất nước của tôi".

Doanh nghiệp Mỹ lo thủ tục hành chính chậm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.