Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Thất thoát đất đai trong 10 năm trở lại đây rất lớn'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/03/2021 10:33 GMT+7

Nhấn mạnh nhiều kết quả, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua.

Sáng 28.3, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021 - 2025).
Điểm lại một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng nhấn mạnh "đây là kết quả của 35 năm đổi mới chứ không chỉ nhiệm kỳ này".
Thủ tướng cho biết, năm 2020, Việt Nam vào tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là 1 trong 4 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất Đông Nam Á. GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD.
Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Độ mở cửa nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP, là một trong những nước có độ mở cao nhất thế giới.
Về chỉ số quyền lực trong châu Á, xếp hạng Việt Nam năm 2020 tăng từ 13 lên 12/26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại đó là việc thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm, nhất là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Việc huy động nguồn lực từ đất đai còn hạn chế.
“Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn. Phân cấp quản lý, liên kết vùng còn hạn chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc thống nhất. Ví dụ như quan hệ giữa nhà nước và thị trường; sở hữu đất đai, phân bố nguồn lực, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, tư nhân… Việc nhận thức chậm, hành động chậm dẫn đến thất thoát xảy ra, kéo theo sự chậm phát triển.
Bên cạnh đó, tính thượng tôn pháp luật chưa được đề cao, kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá theo dõi thực thi công vụ, có nơi còn buông lỏng, nên có hiện tượng một số cơ quan, địa phương vi phạm pháp luật.

Biểu hiện cơ chế xin cho, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm vẫn còn

Đặc biệt, theo Thủ tướng, phương thức lãnh đạo quản lý xã hội ở nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Biểu hiện cơ chế xin cho, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm vẫn còn.

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII tại điểm cầu chính tại Nhà Quốc hội

Ảnh Gia Hân

Năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong nhiều trường hợp chưa cao, thiếu chặt chẽ. Dân chủ chưa được phát huy, kỷ cương phép nước chưa nghiêm, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Từ nhận định trên, Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiều bài học quan trọng, mà trước hết, phải bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa ổn định và phát triển. Thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế; coi giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu.
Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác giám sát, dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp.
“Không có hòa bình, ổn định không thể phát triển được”, Thủ tướng khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.