Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo nhiều thông tin mới, tích cực về nền kinh tế

Chí Hiếu
Chí Hiếu
02/08/2019 08:29 GMT+7

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào hôm qua (1.8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo nhiều thông tin mới, tích cực về nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực

Thông tin ở cuộc họp báo sau đó, điểm lại những nội dung chính của cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay Chính phủ đã dành phần lớn thời gian cuộc họp thường kỳ để thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội.
Trong đó, khi điểm tình hình tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận có nhiều sự kiện lớn diễn ra, như: tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ “tốt hơn, nền nếp hơn, chất lượng hơn”. Bốn ngân hàng lớn đồng loạt hạ lãi suất từ sáng 1.8, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn. Thủ tướng cũng cập nhật nhiều thông tin mới về nền kinh tế, như chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam trong tháng 7 tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm), Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar trong ASEAN.
Cùng với đó, dù trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. Chỉ số phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, theo đó, Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.
Nhận định bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt, Thủ tướng cho hay chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng khá; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỉ USD, tăng 7,5%...
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần tập trung thảo luận về các tồn tại, hạn chế, yếu kém để sớm khắc phục, đưa ra các biện pháp, đối sách cụ thể như: nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nắng nóng gay gắt, kéo dài ở miền Trung, Tây nguyên; dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành... Nhiều công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chưa cải thiện nhiều, vốn ODA cũng giải ngân thấp. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn chậm. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Làm rõ các công ty du lịch đưa người vào Việt Nam không khai báo

Tại buổi họp báo diễn ra sau đó, nhiều vấn đề nóng đã được báo chí đặt ra với lãnh đạo các bộ, ngành. Trả lời về vụ đánh bạc ở Hải Phòng mới đây, trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết khi phá vụ án này, đã tạm giữ 395 người, trong đó có 19 người có khai báo tạm trú; còn lại lợi dụng du lịch để vào Việt Nam.
Qua xác minh, hiện các nghi can và bị hại đều là công dân Trung Quốc, chưa phát hiện bị hại người Việt Nam, nên căn cứ Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, được Viện kiểm sát đồng ý, Bộ Công an đã bàn giao cho các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp nhận, xử lý. Ông Quang cũng cho hay, hiện Bộ Công an đang yêu cầu làm rõ việc các công ty du lịch đưa người vào Việt Nam nhưng không quản lý, không khai báo; nếu vi phạm sẽ kiến nghị xử lý hành chính hoặc hình sự (nếu xác định đủ căn cứ). Liên quan đến trách nhiệm quản lý khu nhà, các cơ quan của Bộ đang cùng Hải Phòng xác minh làm rõ; nếu vi phạm sẽ xử lý đúng quy định.
Về thông tin Bộ Công an có văn bản đề nghị TP.Hà Nội chỉ đạo các ban, ngành phối hợp xác minh thông tin trong vụ Công ty Nhật Cường, ông Quang nói: “Bộ Công an đã khởi tố vụ án với 3 tội danh buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền. Quá trình xác minh thông tin, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an phải thu thập tài liệu liên quan đến các đơn vị chức năng của TP.Hà Nội. Đây là hoạt động làm rõ vi phạm nếu có”, ông Quang nói.

Tại sao chậm kết luận vụ Công ty Asanzo ?

Nói về lý do việc kết luận vụ Công ty Asanzo bị chậm so với thời hạn 30.7 mà Thủ tướng yêu cầu, bà Nguyễn Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài Chính, giải thích Thủ tướng chỉ đạo liên quan đến nhiều bộ, như: bộ Công an, Công thương, KH-CN. Về phần việc của Bộ Tài chính, theo bà Mai, qua xác minh ban đầu thấy liên quan đến nhiều doanh nghiệp, trong đó có tới 28 doanh nghiệp cần phải xác minh về việc có hoạt động xuất khẩu liên quan đến Công ty Asanzo. “Cùng với đó, chúng tôi cũng cần xác minh, như: với các siêu thị, nhà bán lẻ sản phẩm của Asanzo; kiểm tra thông tin với cơ quan thuế; hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về nhãn hiệu... Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt, khi có đầy đủ sẽ thông tin”, bà Mai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.