Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cách đây gần 1 năm, tháng 4.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Sắp tới, Thủ tướng tiếp tục phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Nhắc lại các cơ chế ưu đãi, theo Thủ tướng, thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc. Nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
"Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa, nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì. Trong tôi có anh, trong anh có tôi, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động", Thủ tướng nhấn mạnh.
Mới có 8 dự án giải ngân 640 tỉ đồng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với diện tích 8.611 ha làm nhà ở xã hội. So với báo cáo năm 2020 (3.359 ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252 ha.
Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063 ha, TP.HCM 608 ha, Long An 577 ha, Hải Phòng 471 ha, Hà Nội 412 ha.
Về gói 120.000 tỉ đồng, đã có 28 địa phương công bố 68 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu hơn 30.000 tỉ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỉ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội còn chậm, nguyên nhân do một số địa phương chưa quyết tâm, chủ động thực hiện. Một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao, nhưng đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Một số dự án đã đủ điều vay vốn ưu đãi nhưng chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi...
Bình luận (0)