Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Địa phương trông chờ ỷ lại, đi xin thì không làm được’

01/09/2022 11:30 GMT+7

Khẳng định cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là bài học thành công từ hợp tác công tư và sự chủ động của tỉnh Quảng Ninh, theo Thủ tướng Chính phủ , các địa phương phải phát huy tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại, nếu lúc nào cũng đi xin đi cho thì không làm được.

Sáng nay 1.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và cắt băng khánh thành đoạn cao tốc cuối cùng Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80 km, thông toàn tuyến từ Lào Cai - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng cho biết, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cuối cùng trong hệ thống cao tốc Quảng Ninh (dài 176 km), chiếm 16% tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành

lã nghĩa hiếu

“Ngược thời gian nhớ lại cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ 2012, chúng ta đã quy hoạch, lập dự án, thẩm định và tổ chức thi công gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, thể chế chính sách chưa hoàn thiện, chưa có cơ chế giao cho địa phương làm, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa báo cáo TƯ. Dự án cũng gặp nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan, tư vấn nên mất nhiều thời gian để thống nhất như với Hải Phòng, Bộ Quốc phòng, trao qua đổi lại rất nhiều văn bản”, Thủ tướng nhắc lại.

Theo người đứng đầu Chính phủ, luật Ngân sách và luật Đầu tư công không cho phép ngân sách địa phương làm đường quốc gia, nên cơ chế rất vướng, khó là thế nhưng phải vượt qua.

Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn khác phải vượt qua như nhà nước, địa phương và doanh nghiệp đầu tư thì vấn đề khai thác, sử dụng, quản lý và thu phí thế nào? Các vấn đề về kỹ thuật, như quân đội đề nghị cầu Bạch Đằng chỉ cao tối đa 200 m, nhưng thông thuỷ 100 m... nhiều vấn đề phải xử lý mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, dự án còn phải đối mặt các vấn đề kỹ thuật khác như xử lý sụt lún của vùng được xem là “túi mưa Đông Bắc”, triển khai đoạn cuối tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra khắc nghiệt, thời tiết biến đổi khó khăn.

Tuy nhiên, những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu đề xuất và Chính phủ, bộ, ngành T.Ư. Chủ đầu tư, tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, để có được ngày hôm nay, khánh thành và thông xe toàn tuyến nối 3 cửa khẩu quan trọng nhất của miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) với tổng chiều dài hơn 571 km.

“Đây là tuyến cao tốc liên vùng dài nhất hiện nay cả nước, thông qua Hà Nội, tạo động lực quan trọng trong vùng, khu trung chuyển giữa Đông Á, Đông Nam Á và Trung Quốc, hợp tác liên vùng Đông Bắc bộ mở rộng và vùng đồng bằng sông Hồng...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá cao mô hình hợp tác công tư của Quảng Ninh

lã nghĩa hiếu

Cũng theo Thủ tướng, về địa giới hành chính, Quảng Ninh đang “chới với” giữa miền núi phía bắc hay về đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên sắp tới sẽ chuyển về đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng khẳng định, việc hoàn thành tuyến cao tốc cuối cùng để kết nối vùng có ý nghĩa quan trọng, thực hiện đường lối chính sách của Đảng về phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược.

Tạo động lực không gian phát triển mới cho trung du miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng, tạo không gian và động lực mới cho khu vực. Đồng thời, tạo mô hình thành công về hợp tác công tư, ngân sách là vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư xã hội. Kích thích phát triển kinh tế, du lịch, nông nghiệp... mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Năm 2012 tỉnh Quảng Ninh thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.000 USD/người, nhưng sau 10 năm đã lên 4.000 USD/người, tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước...

Khẳng định mô hình thành công trong hợp tác công tư của Quảng Ninh, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tham khảo và học tập mô hình này. Trước đây, Quảng Ninh chỉ có thế độc đạo với một con đường duy nhất là QL18, nhưng hiện đã có cao tốc, sân bay, đường ven biển nhờ dám làm.

Theo Thủ tướng, có 8 bài học rút ra từ sự thành công của mô hình này. “Bài học đầu tiên là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Bài học thứ 2 là T.Ư phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời có công cụ giám sát. T.Ư phải tin tưởng, giao nhiệm vụ, không bỏ rơi, cùng địa phương và tăng cường kiểm tra, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án

LÃ NGHĨA HIẾU

Bài học thứ 3 là các địa phương phải phát huy tự lực tự cường, từ bàn tay khối óc chân trời cửa biển, không trông chờ ỷ lại. Lúc nào cũng đi xin đi cho thì không làm được. Đầu tư công phân bổ hết rồi, nếu trông chờ vào nhà nước thì không có, phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, muốn thế thì phải dám nghĩ dám làm. Nhiều địa phương đang được T.Ư giao làm cao tốc Bắc - Nam, sân bay. Hôm nay đến Quảng Ninh thấy “tiền tươi thóc thật”, làm được thật, có thêm kinh nghiệm và sự tự tin khi được T.Ư tin tưởng”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, theo người đứng đầu Chính phủ, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng là bài học đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư, phát triển hạ tầng giao thông rất quan trọng vào lúc này, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội và nhân dân.

“Toàn tuyến cao tốc dài 176 km mà nguồn lực nhà nước và địa phương chỉ 35%. Năm 2014 khi Thủ tướng Chính phủ xuống khởi công cầu Bạch Đằng có hỏi hết bao tiền, tỉnh báo cáo hết 14.000 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 2.500 tỉ đồng. Thủ tướng nói T.Ư sẽ hỗ trợ hơn 660 tỉ, nhưng sau gần 10 năm mới lấy được hơn 100 tỉ. Điều này cho thấy huy động hợp tác công tư rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các tỉnh có liên quan phải chung tay, đồng lòng vì một tỉnh làm mà tỉnh kia không tham gia thì không kết nối được...

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được thiết kế đường dài 79,38 km, rộng 25,25 m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/giờ, có 35 cầu trên toàn tuyến. Đây là tuyến đường hoàn toàn mới, đi qua các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.

Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600 km). Và Quảng Ninh là tỉnh có số ki lô mét cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046 km), đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển liên vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.