Thủ tướng: ‘Sẽ có luồng đầu tư mới, mạnh mẽ hơn vào Việt Nam từ Nhật Bản’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/11/2021 10:20 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến tin cậy, an toàn cho các công ty Nhật và tin rằng sẽ được chứng kiến một làn sóng đầu tư mới, mạnh mẽ hơn chảy vào Việt Nam từ các doanh nghiệp nước này.

Sáng nay, 25.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam do Tổ chức xúc tiến đầu tư Nhật Bản (Jetro) cùng Bộ KH-ĐT tổ chức tại Tokyo, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

"Cơ hội rất tốt để xúc tiến đầu tư”

Phát biểu trước khoảng 1.000 doanh nghiệp của 2 nước, Thủ tướng chia sẻ ông cảm nhận được “một không khí chân thành, tin cậy cao”, trong chuyến công tác, nhất là sau cuộc hội đàm và ra tuyên bố chung của Thủ tướng 2 nước vào tối qua.

“Mối quan hệ 2 nước đã bước sang trang mới, nâng cao tầm của quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc. Điều này góp phần tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn nữa cho doanh nghiệp của hai bên. Đây là cơ hội rất tốt để xúc tiến đầu tư”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng tin rằng sẽ có dòng đầu tư mạnh mẽ từ Nhật vào Việt Nam sau chuyến thăm này

D.Giang

Trong khi đó, từ phía Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp mãnh mẽ về sự ổn định chính trị và những cải cách thể chế nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Ổn định chính trị là hết sức quan trọng với doanh nghiệp muốn làm ăn lớn, lâu dài, chiến lược để phát triển ý tưởng của mình. Các bạn hãy yên tâm, chúng tôi luôn đảm bảo ổn định chính trị. Các bạn đến đầu tư là được bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền của mình; được tạo cơ hội để thể hiện ý tưởng, chiến lược của mình”, Thủ tướng cam kết.

Thủ tướng chứng kiến các doanh nghiệp, cơ quan 2 nước trao văn bản hợp tác

chí hiếu

Ông cũng thông tin điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là đề cập đến việc phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy con người vừa là trung tâm, vừa là động lực đồng thời cũng là mục tiêu cho sự phát triển.

“Tôi tin các nhà đầu tư sẽ tìm được những nhân lực, những con người đáp ứng được các chiến lược lâu dài của mình. Đó là sự cần cù, chăm chỉ, cầu thị, khiêm tốn và lắng nghe của con người Việt Nam. Sự thông minh, linh hoạt trong các điều kiện khó khăn. Dân tộc chúng tôi càng khó khăn càng đoàn kết, càng tìm cách vượt qua. Mỗi lần vượt qua khó khăn, chúng tôi lại lớn lên, trưởng thành”, Thủ tướng chia sẻ, đồng thời bày tỏ các doanh nghiệp Nhật với kinh nghiệm, những trải nghiệm và thành công ở Việt Nam, sẽ có những am hiểu, đồng tình với nhận định đó.

Thủ tướng cho rằng niềm tin, sự thấu hiểu là điều mà doanh nghiệp hai nước rất thuận lợi

chí hiếu

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn rằng, ở Việt Nam vẫn còn cả khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn lớn nhất vừa qua cũng chính là các vấn đề mang tính toàn cầu như đại dịch Covid-19; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên; ô nhiễm môi trường; già hoá dân số.

Theo Thủ tướng, vì đây là các vấn đề toàn cầu, tác động đến toàn dân nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đoàn kết chung tay để vượt qua các thách thức có tính toàn cầu này thì mới cùng nhau phát triển.

Nhiều dự án trao thoả thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của Thủ tướng

chí hiếu

“Chúng tôi là nước đang phát triển, nên có những khó khăn của nó. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi sự chia sẻ của các nước phát triển, để cùng chúng tôi khắc phục. Đó là chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế; góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo; giúp chúng tôi tranh thủ các nguồn tài chính xanh để phục vụ phát triển bền vững; quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia, quản trị chính quyền các cấp một cách hiện đại, thông thoáng. Ngược lại, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách, chống tham nhũng, sách nhiễu, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng và những việc này vừa qua đã có hiệu quả nhưng sẽ bao giờ không dừng lại”, Thủ tướng nói.

Hàng tỉ USD được ký kết

Người đứng đầu Chính phủ nhắc đi nhắc lại rằng, hai nước nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng đã có nền tảng là sự tin cậy, tình cảm chân thành được nuôi dưỡng, kiểm chúng qua quá trình làm việc, hợp tác lâu dài.

“Vì thế, tôi hy vọng sẽ có một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, mạnh mẽ hơn, để chúng ta cùng nhau chiến thắng”, Thủ tướng bày tỏ.

Chia sẻ điều này, ông Hagiuda Koichi, Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho hay dịch Covid-19 vừa qua đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nhà máy, do đó, nhận thức của cả hai bên là cần có chuỗi cung ứng mang tính chống chọi lại sự thay đổi này. Ông Koichi cũng bày tỏ, Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời để khắc phục tình hình. Phối hợp để có chuỗi cung ứng linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam.

Ông mong phát triển quan hệ về chiều sâu trong đó tập trung vào các vấn đề mới như trung hoà các bon, phát triển bền vững.

“Các mục tiêu lớn sẽ được trao đổi để thực hiện. Nhật Bản đang có sáng kiến dịch chuyển năng châu Á, để sẽ hỗ trợ Việt Nam soạn ra lộ trình sử dụng công nghệ mới như hydro, khí hoá lỏng nhằm sớm đạt không phát thải, hướng tới trung hoà carbon”, ông Koichi nói.

Tại diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến hơn 40 biên bản hợp tác với giá trị hàng tỉ USD được các cơ quan, doanh nghiệp hai nước trao cho nhau, cả ở khu vực công và khối tư nhân.

Trong đó, điển hình là các hợp tác về năng lượng, nông nghiệp sạch, y tế, chống biến đổi khí hậu. Tiêu biểu cho khu vực công như tỉnh Phú Yên hợp tác cùng Tập đoàn Kiyomura về thuỷ sản và đánh bắt cá ngừ; Bộ TN-MT hợp tác với Công ty Horiba về quan trắc môi trường…

Nhiều hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sạch được ký kết

chí hiếu

Ở khối tư nhân như Tập đoàn Horiba và Đại học Văn Lang hợp tác triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường tại đồng bằng sông Mê- Kông; Tập đoàn Mia và Công ty Endo Seian hợp tác chuyển giao công nghệ, trồng và chế biến đậu đỏ theo tiêu chuẩn Nhật Bản ở Sơn La để xuất trở lại Nhật; Công ty Chân Mây và Tập đoàn Mitsubishi hợp tác trong dự án điện sạch….

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.