Thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển chuỗi khu công nghiệp sinh thái, kiểu mẫu

25/10/2024 07:00 GMT+7

Sau một thập niên phát triển, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 - đang từng bước mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác.

 Nhưng để xây dựng cả chuỗi khu công nghiệp sinh thái thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm ưu thế. Vì vậy theo các chuyên gia, cần hỗ trợ doanh nghiệp nội phát triển chuỗi làm đối trọng với nhà đầu tư ngoại. 

Doanh nghiệp nội tăng tốc

Trong tháng 9, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã bắt tay hợp tác với Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Hai bên sẽ cùng hợp tác phát triển, đầu tư, xây dựng và khai thác các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ kiểu mẫu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành với đa lĩnh vực bất động sản, gồm: khu công nghiệp - logistics, nhà ở - thương mại và dịch vụ.

Thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển chuỗi khu công nghiệp sinh thái, kiểu mẫu- Ảnh 1.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Nói về việc hợp tác, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chia sẻ hai bên có những thế mạnh khác nhau nhưng có mục đích chung là hướng đến phát triển bền vững. Hiện khu công nghiệp của Thanh Bình Phú Mỹ đã đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn sinh thái. Điều này khiến khu công nghiệp trở thành nơi hấp dẫn phát triển công nghiệp thượng nguồn nguyên vật liệu cơ bản cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như hạ nguồn của các ngành công nghiệp sau hóa dầu…

Trước đó, năm 2023, công ty đã đề xuất TP.Cần Thơ chấp thuận nghiên cứu thực hiện đầu tư dự án khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP với quy mô 600 - 800 ha tại H.Vĩnh Thạnh. Sau khi tìm hiểu và khảo sát thực tế, công ty đề xuất diện tích đất thu hồi ban đầu để làm dự án khoảng 600 ha, trong đó có hơn 505 ha đất nông nghiệp. Lãnh đạo TP.Cần Thơ đã rất hoan nghênh đề xuất này và cũng đang trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư từ các bộ, ngành T.Ư.

Thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển chuỗi khu công nghiệp sinh thái, kiểu mẫu- Ảnh 2.

Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi

ẢNH: HẢI PHONG

Theo đó, khi có chủ trương đầu tư, thành phố sẽ giao cho nhà đầu tư thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND H.Vĩnh Thạnh hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hỗ trợ cung cấp điện, nước theo nhu cầu của nhà đầu tư.

Cần Thơ là thành phố loại 1 trực thuộc T.Ư, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng diện tích đất nông nghiệp còn rất lớn. Việc có thêm một khu công nghiệp có ý nghĩa lớn đối với thành phố, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách, giúp chuyển đổi kinh tế của thành phố từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Mới nhất, tháng 6.2024, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cũng đã nộp hồ sơ đăng ký đầu tư khu công nghiệp Hòa Ninh tại Đà Nẵng. Khu công nghiệp Hòa Ninh được quy hoạch với mục tiêu hình thành khu công nghiệp sạch, có công nghệ hiện đại, tiên tiến và tạo sự liên kết với các khu công nghiệp khác của TP.Đà Nẵng…

Thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển chuỗi khu công nghiệp sinh thái, kiểu mẫu- Ảnh 3.

Một góc khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bình Dương)

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Như vậy, chủ đầu tư của khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 - một trong những khu công nghiệp đạt chuẩn xanh, sinh thái khá hiếm hoi do nhà đầu tư trong nước phát triển - đang tăng tốc mở rộng ra nhiều tỉnh, thành. Việc mở rộng đầu tư của Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN.

Chuỗi khu công nghiệp gọi tên các doanh nghiệp ngoại

Trong xu thế các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng tiêu chí về ESG trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình công nghệ cao, sinh thái… là tất yếu. Đây cũng là hướng mà nhiều đơn vị phát triển khu công nghiệp đang thực hiện. Thế nhưng tại thị trường nội địa, các chuỗi khu công nghiệp đang là sân chơi của các doanh nghiệp ngoại. Có thể kể đến như tổ hợp khu công nghiệp DEEP C là hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành. Đơn vị này đến nay đã có 3 khu công nghiệp ở Hải Phòng và 2 khu công nghiệp ở Quảng Ninh.

Từ năm 2020, khu công nghiệp DEEP C là một trong những khu công nghiệp được hưởng lợi từ khi tham gia vào dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ.

Thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển chuỗi khu công nghiệp sinh thái, kiểu mẫu- Ảnh 4.

Khuyến khích phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái

ẢNH: CTV

Cũng nhờ phát triển khu công nghiệp sinh thái nên DEEP C nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhà đầu tư, khách hàng. Hay một nhà đầu tư ngoại khác là liên doanh phát triển công nghiệp và đô thị giữa Tập đoàn Becamex IDC và một liên minh các công ty Singapore do Sembcorp Development làm đại diện - VSIP. Tính đến hết năm 2023, VSIP đã phát triển 17 dự án trên 13 tỉnh, thành Việt Nam. Các khu công nghiệp của VSIP đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm nơi đặt nhà máy khi được biết đến là khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững…

Có thể thấy, việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái là tất yếu nhưng thực tế ở Việt Nam vẫn chưa nhiều. Bóng dáng của các nhà phát triển hạ tầng trong nước như Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, một số doanh nghiệp ngoại đã liên tục mở rộng chuỗi khu công nghiệp của mình và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: Với yêu cầu phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã mở rộng chuỗi khu công nghiệp ở Việt Nam để đón làn sóng đầu tư của dòng vốn FDI. Trong khi các nhà đầu tư trong nước chậm chân hơn do việc đầu tư vào khu công nghiệp xanh, phát triển bền vững có chi phí cao hơn mô hình cũ đến 30 - 40%. Thậm chí nếu khu công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo thì chi phí sẽ còn tăng hơn nhiều. Các nhà đầu tư khu công nghiệp đến từ nước ngoài có kinh nghiệm, tài chính và khả năng quản trị hệ thống chuyên nghiệp hơn nên cũng ưu thế hơn. Vì vậy, trong cuộc đua này, doanh nghiệp nội sẽ có nguy cơ ngày càng thua. 

"Nhưng bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cần khuyến khích các đơn vị trong nước. Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng chính sách khuyến khích, phát triển các khu công nghiệp mới theo hướng xanh, sinh thái song song với chính sách thu hút dòng vốn FDI mới, trong đó nghiên cứu một số chính sách để khuyến khích các đơn vị trong nước tham gia. Đồng thời các chính sách liên quan về thủ tục hành chính, logistics… cũng cần được ưu tiên bên cạnh các chính sách về thuế, phí liên quan", ông Nghĩa đề xuất. 

Hỗ trợ doanh nghiệp nội cạnh tranh 

Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phát triển khu công nghiệp hiện cạnh tranh khốc liệt, không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ví dụ, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 có lợi thế cảng biển thì phía bắc, khu công nghiệp DEEP C cũng có lợi thế này. Trong khi vốn FDI vào VN trừ đi bất động sản thực tế còn không bao nhiêu. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nội lại thiệt thòi hơn vì chi phí vốn cao hơn, gấp đôi, gấp 3 so với các chủ đầu tư ngoại.

"Ví dụ, doanh nghiệp nội vay với lãi suất 10%/năm, nếu 3 - 5 năm không thu hút được nhà đầu tư vào thì rất cực, rất khó khăn vì vốn, lãi đội lên gấp đôi, gấp 3. Trong khi lãi vay ở châu Âu chỉ khoảng 3%/năm. Nên mình vay 2 năm thì chi phí vốn bằng nhà đầu tư ngoại vay 6 năm, 3 năm thì bằng 10 năm. Chi phí vốn cao nhưng mình vẫn đang phải cạnh tranh với họ có chi phí vốn thấp hơn là một thiệt thòi lớn", bà Nhi phân tích.

Không chỉ cạnh tranh trong nước, các chủ đầu tư khu công nghiệp nội còn phải cạnh tranh với các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… Các nước này cũng thu hút vốn FDI quyết liệt. 

"Ví dụ, nhà đầu tư chọn khu công nghiệp Phú Mỹ 3 hay DEEP C vì lợi thế cảng biển thay vì chọn các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận khác không có lợi thế này. Nhưng họ sẽ so sánh với Thái Lan, Indonesia, họ bỏ lên bàn cân xem chọn Việt Nam hay các nước khác. Chứ không chỉ cạnh tranh với nhau ở thị trường nội địa đâu", bà Nhi dẫn chứng.

Vì thế, để các doanh nghiệp có thể nhân rộng mô hình, mở chuỗi khu công nghiệp chuyên sâu, làm đối trọng với các nhà đầu tư ngoại, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp sinh thái, nhất là với các nhà đầu tư nội.

"Để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái thì việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính là rất cần thiết. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình khu công nghiệp sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này cũng có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh đang ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Chính phủ nghiên cứu có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư khu công nghiệp mới, nhất là những ưu đãi về nguồn vốn đầu tư thông qua các chương trình tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; các chính sách ưu đãi về thuế, phí trong quá trình hoạt động. Bởi việc đầu tư vào các khu công nghiệp xanh, sinh thái cần nguồn vốn lớn mà nếu không có sự khuyến khích, ưu đãi thì các doanh nghiệp nội vốn quy mô còn nhỏ sẽ khó cạnh tranh được với những tập đoàn ngoại, các nhà đầu tư chuyên phát triển những khu công nghiệp hiện đại", theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.

Để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái thì việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính là rất cần thiết. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình khu công nghiệp sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này cũng có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh đang ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Khu công nghiệp xanh góp phần đón làn sóng đầu tư FDI mới

Việc xây dựng phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái nhằm hướng đến thu hút dự án FDI, nhất là những dự án có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao. Chính phủ cần sớm có các chính sách cụ thể, liên quan về tiêu chí phát triển lẫn chính sách ưu đãi, ưu tiên. Riêng với các nhà đầu tư trong nước, có thể lựa chọn một số hướng đi phù hợp, như xây dựng các khu công nghiệp mới phù hợp với nhóm khách hàng cụ thể. Chẳng hạn, phát triển khu công nghiệp ở miền Tây thì hướng đến thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông, thủy hải sản. Khi đó, các tiêu chí xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng có một số điểm khác biệt với nhóm khách hàng là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Theo Công ty Cushman & Wakefield chuyên về dịch vụ bất động sản, dự kiến từ nay và 3 năm tiếp theo, có khoảng 6.200 ha đất khu công nghiệp sẽ được đưa ra thị trường. Thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng sẽ có thêm nguồn cung trong tương lai lần lượt là 1,4 triệu m2 và 1,9 triệu m2.

Trong đó, 55% nguồn cung tương lai sẽ nằm ở tỉnh Đồng Nai, nơi có sân bay Long Thành. Thị trường bất động sản công nghiệp hồi phục trở lại nhờ dòng vốn FDI mới vào VN và tiêu dùng nội địa tăng. Nhu cầu đến từ nhiều ngành khác nhau, từ các ngành truyền thống như nhựa, sản xuất phương tiện giao thông và thức ăn chăn nuôi, đến các ngành giá trị gia tăng cao như điện tử và dược phẩm.

Thời gian tới, triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn rất tươi sáng. Các nhà đầu tư và nhà sản xuất trong, ngoài nước cũng đang dần để mắt tới các tỉnh xa hơn ở miền Trung và khu vực ĐBSCL nhờ giá đất cạnh tranh, chiến lược thu hút FDI tích cực và hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.